Kịch bản liên doanh xe hơi lo đối phó với tự do thương mại bằng cách chỉ bảo vệ lợi ích của mình đang xảy ra.
Giảm nhập linh kiện do doanh số tiêu thụ sụt mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, Việt Nam đã chi 2,7 tỷ USD để nhập khẩu linh kiện xe ô tô bao gồm linh kiện tách rời để lắp ráp, sản xuất xe tải, xe thương mại và cụm linh kiện cho xe con. Con số này giảm hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Tính ra trung bình 1 ngày các DN ô tô trong nước nhập khoảng 194 tỷ đồng nhập linh phụ kiện ô tô, giảm gần 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó việc giảm nhập linh kiện chủ yếu diễn ra ở phân khúc xe con du lịch dưới 9 chỗ ngồi bởi hiện xe tải, xe khách các hãng liên doanh, xe trong nước đều có tỷ lệ nội địa hóa cao trung bình 40 - 50%, đáng chú ý nhiều nhà sản xuất lớn như Trường Hải, nội địa hóa nhiều dòng xe tải và xe khách cỡ trung - lớn từ 50 - 70%, chỉ phải nhập phần máy ô tô.
Hiện đa số các dòng xe con trong nước vẫn phụ thuộc nhập khẩu linh kiện gồm vỏ xe, thâm xe, cụm linh kiện máy móc từ nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
Điều đáng nói, nhập khẩu linh kiện giảm không phải do hệ thống công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng và thay thế được linh kiện nhập từ nước ngoài mà do tiêu thụ xe trong nước giảm. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính riêng 10 tháng năm 2017, tiêu thụ xe hơi nguyên chiếc đạt 152.200 chiếc, giảm hơn 31.200 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng tiêu thụ của dòng xe du lịch giảm khoảng 10%, xe thương mại giảm 6% và xe chuyên dụng, xe tải giảm hơn 18%.
Đáng nói, trong khi doanh số bán hàng của các hãng xe trong nước giảm hơn 14% thì xe nhập khẩu của chính các liên doanh này lại tăng hơn 3.600 chiếc, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Liên doanh đang “tính bài” nhập xe thay vì lắp ráp, sản xuất?
Trong khi lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong nước sụt giảm thì doanh số bán xe nhập của các hãng liên doanh sản xuất ô tô lại tăng nhẹ. Điều này dễ hiểu vì sao lượng xe nhập của các hãng này trong những tháng gần đây lại tăng mạnh. Thậm chí có một số dòng xe không còn được sản xuất tại Việt Nam mà được nhập nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia,....
Đơn cử như Toyota Việt Nam là nhà sản xuất các dòng xe du lịch Vios, Innova, Altis, Fortuner... nhưng nay dòng xe Fortuner không còn được sản xuất tại Việt Nam mà nhập nguyên chiếc từ Indonesia.
Honda cũng vậy, trước kia các dòng xe như CRV, Civic tiêu thụ tại thị trường Việt chủ yếu được sản xuất trong nước thì nay ông lớn liên doanh này đã chuyển qua nhập phần lớn hai loại xe nói trên từ Thái Lan.
Đây chỉ là hai trong số nhiều liên doanh tại Việt Nam đã xoay chuyển từ sản xuất trong nước sang nhập khẩu. Thực tế, việc chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất các hãng xe là chuyện lợi ích của các hãng khi quy mô tiêu thụ dòng xe trên thị trường không đủ để họ nội địa hóa thì về hiệu quả kinh tế họ sẽ nhập khẩu từ các công ty con khác.
Năm 2018, khi thuế nhập xe nguyên chiếc từ Thái, Indonesia, Malaysia bằng 0% chắc chắn nếu duy trì sản xuất các dòng xe tương tự trong nước thì xe Việt sẽ không đủ sức cạnh tranh vì chi phí sản xuất, lắp ráp trong nước đang cao hơn các nước do phải nhập linh phụ kiện.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, các dòng xe như Fortuner, CRV hiện vẫn có doanh số bán hàng thuộc loại tốt nhất thị trường xe đa dụng nhiều năm qua. Khách hàng Việt cũng tiêu thụ chủng loại xe này nhiều, đủ để các hãng có thể yên tâm nội địa hóa 1 dòng xe khi mức tiêu thụ xe trong nước ngày một tăng và có thể hướng đến xuất khẩu ngược ra các thị trường ASEAN.
Minh chứng là 10 tháng qua, theo VAMA, Honda CRV tiêu thụ được hơn 3.000 chiếc xe, xe Fortuner là hơn 12.000 chiếc. Cả năm 2016, Honda CRV tiêu thụ được 5.000 chiếc, trong đó Fortuner là hơn 11.500 chiếc, năm 2015 xe Honda CRV tiêu thụ được hơn 4.400 chiếc, xe Toyota Fortuner cũng tiêu thụ được gần 10.000 chiếc...
Với lượng tiêu thụ trên thị trường hiện nay, nếu các hãng xe vin vào quy mô tiêu thụ thị trường hiện tại nhỏ hẹp để trì hoãn, thậm chí không muốn lắp ráp trong nước họ sẽ hưởng ưu đãi nhưng thực hiện nội địa hoá, chuyển hướng sang nhập khẩu.
Các hãng không phải đau đầu nghĩ cách nội địa hoá, nhưng lại nhập xe dễ dàng để bán trong nước để không ảnh hưởng đến kinh doanh. Tuy nhiên, nó lại làm các địa phương mất thuế, phần giá trị gia tăng trong nước thấp, khiến người lao động mất việc làm.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)