Cần là có…
Chỉ cần gõ cụm từ “mua công cụ hỗ trợ”, “mua dùi cui điện”, “mua đèn pin chích điện”, “baton ba khúc”… trên facebook, vài giây sau, sẽ cho ra rất nhiều kết quả liên quan đến việc mua bán dùi cui, súng điện, roi điện, bình xịt hơi cay, còng số 8…. Những món đồ gây sát thương này được rao bán một cách công khai trên các mạng xã hội và được giao dịch, chuyển hàng theo phương thức tinh vi hơn nhiều.
Trong vai người có nhu cầu cần “hàng”, nhóm PV đã lần theo thông tin rao bán trên một số trang facebook quảng cáo có bán roi điện, áo giáp, đèn pin chích điện, dùi cui, bình xịt hơi cay v.v... Chủ các trang facebook này quảng cáo rất “bài bản” và thông báo sẽ chuyển hàng toàn quốc cho khách hàng thực sự “nhiệt tình”. Tuy nhiên… chỉ nhận điện thoại và chuyển hàng, không nhận tiếp khách trực tiếp tại cửa hàng.
Khi PV đặt vấn đề cần chuyển tới tỉnh khác, “chủ shop” cũng khẳng định… “chơi luôn”. Tuy nhiên, người bán cũng đưa ra hình thức giao dịch khác, đó là muốn mua hàng khách phải cào thẻ điện thoại trả tiền hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trước 100% giá trị món đồ. Tùy theo vị trí vùng miền, hàng sẽ tới trễ hay đúng ngày.
Các loại công cụ hỗ trợ được rao bán tràn lan trên internet. |
Với khách hàng tại Hà Nội, TP.HCM, hàng sẽ được giao theo kiểu “tiền trao cháo múc” sau 1 tiếng tuỳ địa bàn. Để mua hàng, người này yêu cầu khách phải gửi một tin nhắn ghi rõ mã số sản phẩm, tên người nhận, số điện thoại và địa chỉ.
Chúng tôi ngỏ ý định đang muốn mua một cây gậy baton của Mỹ, ngay lập tức, được tư vấn rất nhiệt tình về cách thức sử dụng lẫn khả năng gây đau đớn "tới tận xương" khi sử dụng. Người này cho biết, có nhiều loại baton khác nhau với các mức giá khác nhau.
Phổ biến nhất là từ 400 – 700.000 đồng, vận chuyển trong nội thành Hà Nội. Để đảm bảo “uy tín”, người này cho biết, chỉ nhận bán hàng online, khách xem cụ thể rồi thông báo, chủ cửa hàng sẽ cho người giao hàng tận nơi. Đặc biệt, chỉ khi khách đã nhận hàng, xem hàng xong mới phải trả tiền cho người mang hàng tới.
Hẹn tại một ngõ nhỏ trên đường đê La Thành, sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ, người giao hàng đã tới chỗ hẹn. Với vẻ mặt lấm lét nhìn ngó xung quanh thăm dò một hồi, người giao hàng mới móc trong túi ra một chiếc hộp nhỏ đựng mấy chiếc baton 3 khúc cho chúng tôi chọn lựa. Thấy khách có vẻ chưa biết sử dụng, người giao hàng này nhanh chóng thao tác rất gọn với chiếc baton 3 khúc để chứng minh “hàng xịn” như trước đó đã quảng cáo trên facebook.
Trong khi đó, loại bình xịt hơi cay được mang tới có giá 400.000 đồng có vỏ ngoài in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc. Thậm chí, dưới đáy bình còn có hẳn “hạn sử dụng”. Mỗi bình xịt được quảng cáo xịt 30 lần mới hết.
Để tìm mua những loại công cụ hỗ trợ như thế này trên internet không quá khó. |
Qua một số mối quen, chúng tôi cũng tìm đến Nam, một người tự nhận chuyên bán các món đồ gây đau đớn, từ bình xịt hơi cay, gậy baton đến súng bắn điện. Giao dịch rất nhanh, người đàn ông này cho biết, sẽ có hàng ngay khi chúng tôi cần, vấn đề là chọn mua “hàng” loại nào. Theo người đàn ông này, bình xịt hơi cay, còng số 8... có giá từ 450.000 đồng đến gần 2 triệu đồng. Nếu đồng ý mua sẽ cho người giao hàng tại địa chỉ cho sẵn trên địa bàn Hà Nội.
Nam cho biết, thời gian gần đây, các món đồ gây sát thương như này bán rất chạy. "Sau nhiều vụ án mạng, cướp ngân hàng, nhiều người tìm đến mua, đặt hàng. Món đồ bán chạy nhất là đèn pin phóng điện, bình xịt hơi cay và gậy baton. Những năm trước, khách nữ rất ít thì gần một năm trở lại đây, 40% khách hàng tìm đến là nữ", Nam nói.
Bình xịt hơi cay được ship tận nơi trong nội thành rất dễ dàng. |
Rời facebook, chỉ cần gõ cụm từ "mua bán công cụ hỗ trợ" trên các trang web tìm kiếm, chỉ trong chưa đầy 1 giây, cả trăm từ khóa đáp ứng yêu cầu của chúng tôi với những thông tin về mua bán, trao đổi các công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ hiện ra. Từ súng bắn đạn cao su, roi điện, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, kiếm, đao, mã tấu, dao găm, dao bấm, ba-ton, đèn pin chích điện đến áp giáp, còng số 8… đều có sẵn.
Mối hoạ tiềm ẩn
Nhận định về thực trạng này, theo luật sư Trần Kim Thọ, VP Luật Bình An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trên thị trường hiện nay không khó để sở hữu một công cụ hỗ trợ, chúng được bán phổ biến ở những khu chợ vùng biên, thậm chí còn được rao bán qua mạng xã hội. Có trong tay công cụ hỗ trợ, một số đối tượng sẵn sàng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng có tâm lý "lận lưng" những món đồ này để tự vệ khi ra đường.
Luật sư Trần Kim Thọ: "Có trong tay công cụ hỗ trợ, một số đối tượng sẵn sàng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, do tính sát thương cao nên hậu quả của nó là không lường trước được". |
Do vậy, theo luật sư này, để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi tàng trữ, mua bán công cụ hỗ trợ, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an… cần phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý; tăng cường kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa, tích cực tuyên truyền, phổ biến để người dân nhận thức được những hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Luật sư Thọ cũng nhấn mạnh, người dân bình thường nếu có “nhu cầu” hay ý định muốn có các loại công cụ hỗ trợ để “phòng thân” thì cần phải hiểu rõ mình đang làm gì, bởi công cụ hỗ trợ được xác định là những phương tiện đặc biệt, được trang bị cho một số đối tượng thuộc cơ quan tổ chức sử dụng để giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp tội phạm, hỗ trợ người thi hành công vụ. Do vậy, mọi hành vi tàng trữ, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ thì tuỳ theo mức độ, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Hoàng Lâm (Dân Trí)