Thị trường bất động sản: Tái diễn nguy cơ bong bóng?

10/10/2015 08:18:28

Thị trường bất động sản (BĐS) đã hồi phục mạnh mẽ khi lượng giao dịch tăng tại nhiều phân khúc BĐS. Tuy nhiên, lại tiềm ẩn nguy cơ bất ổn vì tăng giá ảo tại một số khu vực, dự án. Nhiều sàn giao dịch, giới cò giở chiêu làm giá.

Thị trường bất động sản (BĐS) đã hồi phục mạnh mẽ khi lượng giao dịch tăng tại nhiều phân khúc BĐS. Tuy nhiên, lại tiềm ẩn nguy cơ bất ổn vì tăng giá ảo tại một số khu vực, dự án. Nhiều sàn giao dịch, giới cò giở chiêu làm giá.

Nằm liền kề với đường Nguyễn Tuân, cách chưa đầy 500m, trục đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân) những ngày này một loạt dự án chung cư cao cấp sau nhiều năm đắp chiếu hoạt động trở lại khiến nơi đây “ầm ĩ” như một đại công trường.

Mảnh đất vàng bỏ hoang nằm trên lô đất 4.1 Lê Văn Lương rộng khoảng 2.000 m2 là dự án công trình hỗn hợp, dịch vụ, văn phòng, nhà ở của Cty CP Dịch vụ và kinh doanh BĐS Việt Nam đã được treo biển trở lại. Theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án được Sở quy hoạch kiến trúc phê duyệt phương án kiến trúc ngày 9/2/2015 và sẽ khởi công quý IV/2015.
 

Ảnh minh họa

Còn trên trục đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) thời gian gần đây, người dân và các phương tiện tham gia giao thông luôn phải chịu cảnh tắc đường.

Nguyên nhân bởi trên một đoạn đường ngắn xuất hiện đến 4 dự án cao cấp với đến hàng nghìn căn hộ đang khởi động trở lại, đó là: dự án HDI Home và Imperia Garden và 2 dự án đang chuẩn bị xây là chung cư Legend (109 Nguyễn Tuân) và chung cư của Công ty Xe đạp Thống Nhất.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cũng cho rằng, tất cả dự án chung cư triển khai phải tuân theo quy hoạch. “Người thực thi cấp phép xây dựng phải biết quy mô khối nhà, tất cả dự án trên trục đường đó. Nếu cứ đẻ ra dự án quá nhiều người sẽ dẫn đến bất cập về hạ tầng”, ông Chính nói.

Loạn chiêu làm giá

Từng có thời “chết lịm” vì đói vốn, tuy nhiên có vẻ như sau cơn “bất động”, thị trường BĐS thời điểm này đang quẫy mạnh. Không chỉ cung hàng dồi dào, giá nhà, đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp có dấu hiệu sốt trở lại.

Đơn cử: Khu Đoàn ngoại giao (Tây hồ Tây, Hà Nội) hiện còn được quy hoạch tới 23 tòa cao ốc chung cư với 4 tổ hợp chính N01, N02, N03, N04, quy mô từ 21 đến 45 tầng. Để câu khách, nhiều sàn tung chiêu bán suất ngoại giao với giá vào hợp đồng 25 triệu đồng/m2. Khách hàng ưng căn hộ chỉ phải đóng 25% lần 1 với giá bán trên và tiền chênh trả cho khách được suất ngoại giao.

Chiêu “hết hàng” cũng được các sàn tận dụng để hâm nóng dự án như: Dự án Eco Green City (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) do Cty TNHH Bất động sản và Xây dựng Việt Hưng làm chủ đầu tư được công bố bán giá 25 triệu đồng/m2 đợt 1.

Tuy nhiên, khách hàng luôn nhận được câu trả lời hết hàng, nếu cộng tiền chênh hơn 2 triệu đồng/m2, giá bán lúc này của dự án lên đến 27 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn hẳn mặt bằng giá khu vực xung quanh dù 2 năm nữa mới xây thô xong.

Theo ông Minh Khang, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản An Khang, hiện chỉ có một số dự án phân khúc chung cư cao cấp “thổi” được giá lên còn đa phần dự án đất nền, thổ cư tại thành phố vẫn im lìm ngủ.

“Thị trường đất thổ cư vẫn ảm đạm và không có sự tăng giá. Chung cư giá rẻ vẫn giữ mức ổn định từ trong thời kỳ khủng hoảng cho đến nay”, ông Khang nói.
 
Theo N.Mai (Tiền Phong)