Thép Thái Nguyên gửi 1.000 tỷ đồng lấy lãi, bù lỗ đầu tư

15/03/2017 18:10:00

Gang thép Thái Nguyên dùng số lãi gần 450 triệu đồng mỗi tháng để bù lỗ cho dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2. 

Gang thép Thái Nguyên dùng số lãi gần 450 triệu đồng mỗi tháng để bù lỗ cho dự án cải tạo mở rộng giai đoạn 2. 
thep-thai-nguyen-gui-1000-ty-dong-lay-lai-bu-lo-dau-tu

Gang thép Thái Nguyên vẫn đang mắc kẹt với dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2.

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên gây chú ý trước đó khi “đắp chiếu” cả chục năm do vướng mắc về vấn đề tài chính. Theo tính toán, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch trước đó. Ngay cả với kế hoạch này, theo đề nghị của nhà thầu Trung Quốc, dự án cũng đã đội vốn từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, khoản tiền đã rót vào dự án là trên 4.635 tỷ, trong đó chi phí lãi vay là 1.435 tỷ.

Lý do điều chỉnh đầu tư được đưa ra là biến động giá cả của thị trường và các cơ chế chính sách của Nhà nước. Số vốn "đội" lên so với kế hoạch ban đầu đã được Thủ tướng, Hội đồng quản trị của Gang thép Thái Nguyên phê duyệt. Tuy vậy, việc sa lầy vào dự án cải tạo giai đoạn 2 đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Tisco nhiều năm qua. 

Cũng theo báo cáo hợp nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp tăng mạnh lên mức 8.578 tỷ đồng. Nhờ đó công ty thu về khoản lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,5 lần so với 2015, mức 205,8 tỷ đồng. Tuy nhiên so với báo cáo chưa được kiểm toán mà doanh nghiệp công bố trước đó, mức lãi giảm khoảng 2,4 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty ở mức 11.147 tỷ đồng, tăng 149 tỷ so với cuối năm 2015; nợ phải trả dù giảm nhẹ so với hồi đầu năm, song vẫn ở mức cao 8.362 tỷ đồng. Công ty có nhóm nợ xấu khó thu hồi gần 655 tỷ đồng, trong đó hơn 201 tỷ đồng là tiền lãi chậm trả tương ứng với khoản nợ khó đòi của các đối tác như Công ty TNHH Lưỡng Thổ 102 tỷ, Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Trung Dũng 251 tỷ…

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên được thành lập năm 1959, thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó Tổng công ty Thép nắm 42,11%, còn lại là SCIC có 35,21%. Công ty có công suất sản xuất thép cán hiện tại đạt 650.000 tấn một năm, hệ thống phân phối sản phẩm với 5 chi nhánh đặt tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, văn phòng bán hàng tại TP HCM.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật