Đối với kim loại quý, trong bối cảnh đồng USD suy yếu và nhà đầu tư tăng cường nắm giữ tài sản trú ẩn an toàn khi xung đột địa chính trị leo thang, vàng, bạc và bạch kim đều trải qua những phiên giao dịch khởi sắc với mức tăng ấn tượng.
Cụ thể, phiên thứ Tư (3/4), trên thị trường thế giới, lúc 17:00 GMT, giá vàng giao ngay tăng vọt lên 2.295,1 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 6/2024 lên 2.314,40 USD/ounce, các kỳ hạn xa hơn thậm chí còn cao hơn nữa – là những kỷ lục cao mới trong lịch sử, trong bối cảnh khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Trading Economics vào lúc 9h30 ngày 4/4 (giờ Việt Nam), giá bạc giao ngay ghi nhận tăng mạnh 8,8% lên mức 27.171 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi qua. Ngoài ra, giá bạch kim cũng leo lên mốc 951,1 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Hỗ trợ bổ sung cho kim loại bạc đến từ nhu cầu sử dụng nhiều hơn trong ngành năng lượng mặt trời, ngành công nghiệp hiện chiếm khoảng 1/3 nguồn cung bạc. Cùng với đó là thông tin Quỹ IKEA thuộc doanh nghiệp tư nhân của Thụy Điển hỗ trợ thúc đẩy thị trường xe điện với khoản tài trợ 100 triệu USD. Căng thẳng tiếp tục leo thang ở khu vực Trung Đông cũng kéo dòng tiền đẩy mạnh vào các kênh đầu tư trú ẩn an toàn, trong đó có các kim loại quý.
Mặt khác, đà tăng bị hạn chế do đặt cược giảm vào thời điểm Fed bắt đầu nới lỏng tiền tệ sau khi số lượng tuyển dụng và cơ hội việc làm của doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ vượt qua ước tính. Cụ thể, Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động cho biết cơ hội việc làm ở Mỹ, thước đo nhu cầu lao động, đạt 8,756 triệu vào ngày cuối cùng của tháng 2, thấp hơn so với dự báo, trong khi số liệu của tháng 1 bị điều chỉnh giảm xuống 8,748 triệu.
Khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã giảm xuống dưới 60% từ mức khoảng 70% của tuần trước. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo việc làm quan trọng sắp tới vào thứ Sáu và các bài phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang để hiểu rõ hơn về thời điểm của chu kỳ nới lỏng.
Giá vàng và bạc theo truyền thống cho thấy mối tương quan tích cực mạnh mẽ, dù bạc đôi khi được mô tả là “anh em họ kém hơn” của vàng.
Đầu năm nay, Viện Bạc cho biết trong một báo cáo rằng nhu cầu bạc toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1,2 tỷ ounce vào năm 2024, đạt mức cao thứ hai trong lịch sử.
Trước đó, nhiều chuyên gia nói với CNBC rằng họ kỳ vọng bạc sẽ có một “năm tuyệt vời”, đặc biệt là về nhu cầu. Bạc chủ yếu được sử dụng cho mục đích công nghiệp và thường được sử dụng trong sản xuất ô tô, tấm pin mặt trời, đồ trang sức và đồ điện tử.
Về kim loại cơ bản, đồng tiếp tục cho thấy đà tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Tuy vậy, đà tăng của giá đồng gặp lực cản bởi một vài tin tức tích cực về nguồn cung. Cụ thể, tại Chile, quốc gia chiếm gần 1/4 nguồn cung đồng của thế giới, sản lượng khai thác mỏ của nước này đang bắt đầu phục hồi sau nhiều tháng sụt giảm kéo dài, với tổng sản lượng khai thác trên cả nước tăng 7,7% so với cùng kỳ trong tháng 2. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là sản lượng đồng tăng 9,95% lên 420.242 tấn.
Theo Khánh Vy (Nhịp Sống Thị Trường)