Thế mạnh tỷ USD Việt Nam lao dốc, những con số cảnh báo

23/09/2021 09:29:04

Thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, chi phí sản xuất tăng, đơn hàng nợ chất đống,... Doanh nghiệp thủy sản đang rơi vào bế tắc khiến xuất khẩu sang các thị trường đồng loạt lao dốc.

Doanh nghiệp thiệt hại nặng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 19 tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung Bộ là khu vực trọng điểm của ngành thủy sản, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.

Thế nhưng, trong 2 tháng giãn cách xã hội, chỉ có khoảng 30% nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì sản xuất cầm chừng đảm bảo được “3 tại chỗ”. Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện đã phải ngừng sản xuất.

Kéo theo, công suất sản xuất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-35% với ngành chế biến thủy sản. Riêng ngành cá tra chỉ đạt chưa đến 20% công suất. Nguyên nhân do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu lao động, không huy động được nguồn nguyên liệu để sản xuất, trong khi, chi phí sản xuất tăng mạnh.

Thế mạnh tỷ USD Việt Nam lao dốc, những con số cảnh báo
Xuất khẩu thuỷ sản giảm mạnh (ảnh: VS)

Báo cáo của VASEP chỉ rõ, với các DN sản xuất 3 tại chỗ, giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản,... ) và quy mô công suất chế biến được. Theo tính toán sơ bộ, một DN trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất, và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngừng sản xuất.

Hiệp hội này cho biết, tính đến tháng 7/2021, các đơn hàng xuất khẩu tăng 10-20% so với năm 2020, do nhu cầu thị trường đang tăng cao từ sự phục hồi của thị trường Mỹ, châu Âu, Trung quốc, Nhật Bản...

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, việc giãn cách xã hội gây ách tắc nguồn cung ứng giữa các tỉnh, nhà máy thiếu nguồn cung nên tiến độ giao hàng trễ lên đến 40-50%; khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng đối với ngành thủy sản, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

So với tháng 7/2021 (là tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), tháng 8 xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm 36%, cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%...

Xuất khẩu sang tất cả các thị trường trong tháng 8 đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Anh giảm 48%, Đức giảm 42%). Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%; Australia và Canada giảm 35% và 37%.

Chớp cơ hội cuối năm

Sau thời gian giãn cách dài, nhiều DN phản ánh đã đến mức báo động nếu không phục hồi sản xuất trong tháng  9. Sau thời điểm đó, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

Thế mạnh tỷ USD Việt Nam lao dốc, những con số cảnh báo - 1
Để chớp thời cơ cuối năm, các DN cần có đủ nguồn nguyên liệu (ảnh: MD)

Ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, cho hay, dịp cuối năm thị trường rất sôi động, nhu cầu thuỷ sản tăng cao do các lễ hội và Tết. Nhiều khách hàng đang yêu cầu DN cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp bán trong dịp Noel. Trường hợp không giao được hàng, họ sẽ bỏ, quay sang mua của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Còn nếu để mất khách hàng, mất thị trường thì phải 3-5 năm mới có thể khôi phục, thậm chí không khôi phục lại được.

Để duy trì sản xuất, có sản phẩm trả nợ đơn hàng, chớp thời cơ cuối năm, doanh nghiệp của ông phải áp dụng “7 xanh”. Đồng thời, tăng giá thu mua tôm nguyên liệu nhằm khuyến khích bà con thả nuôi ngay từ thời điểm đầu tháng 9, ông Quang chia sẻ.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta - cho rằng, chúng ta chưa sợ mất những thị trường xuất khẩu tiềm năng, bởi các đối thủ cạnh tranh mạnh cũng gặp khó.

Thời gian tới, các doanh nghiệp phải cẩn trọng trong việc tăng cường lực lượng lao động. Ông mong Chính phủ đẩy mạnh và có cơ chế ưu đãi tiêm vắc xin cho những DN thủy sản, bởi phải an toàn mới duy trì sản xuất được.

Ngoài vấn đề lao động, phía DN của ông Lực đang lo đồng bộ từ nguyên liệu, vật tư đầu vào, cho đến nghiên cứu thị trường với thói quen mới của người tiêu dùng,... 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin, phía Tổng cục đang đề nghị các cơ sở giống và thức ăn chăn nuôi giảm giá để kích cầu bà con thả nuôi. Đồng thời, thực hiện các biện pháp kỹ thuật như xuống giống với mật độ thưa, đưa tôm lên cỡ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động liên tục.

Nhu cầu của thị trường là rất lớn, nhất là vào dịp Tết sắp tới, đơn hàng có thể sẽ tới tấp. Do đó, chúng ta cần có kế hoạch để chuẩn bị nuôi thả từ trước vài tháng. Nếu không, ngành thủy sản có thể chịu nguy cơ thiệt hại kép, vừa không thể tranh thủ được các thị trường thiếu hụt nguồn cung, vừa không đảm bảo cho chu kỳ sản xuất mới, ông Luân nhấn mạnh.

Theo Tâm An (VietNamNet)

 

Nổi bật