Thế giới thừa thép, Bộ Công Thương nói riêng Việt Nam sẽ thiếu!

16/11/2016 09:39:00

Thông tin về quy hoạch ngành thép Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thép, thì Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 15 triệu tấn thép vào năm 2020.

Thông tin về quy hoạch ngành thép Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thép, thì Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ thiếu hụt 15 triệu tấn thép vào năm 2020.
 
(Ảnh minh hoạ).

Đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết, với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép và thép xây dựng. Tổng công suất theo thiết kế các nhà máy đang hoạt động đạt khoảng 11 triệu tấn/năm nhưng các nhà máy có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm trở lên chỉ ở mức 8 triệu tấn/năm.

Các nhà máy còn lại có tổng công suất khoảng 3 triệu tấn/năm có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên liệu, khả năng cạnh tranh thấp. Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước.

Đối với thép cuộn cán nóng, Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4530m3 đã được đầu tư xây dựng. Khi đi vào hoạt động sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng sẽ làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố tháng 5/2014 và sự cố về môi trường vừa qua khiến dự án đang bị chậm tiến độ.

Theo Bộ Công Thương, ngoài dự án Formosa, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.

Bộ Công Thương cho biết, quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Trước đây, do các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật nên Việt Nam phải kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các Khu luyện thép liên hợp. Đến nay, đã có ba dự án Khu luyện thép liên hợp được cấp Giấy chứng nhận nhận đầu tư là dự án Khu liên hợp Cà Ná (Liên doanh giữa tập đoàn Lion và Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam), dự án Nhà máy thép Guanglian Dung Quất (nhà đầu tư Đài Loan) và dự án của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Trong số ba dự án trên chỉ có duy nhất dự án Formosa Hà Tĩnh được triển khai, hai dự án còn lại đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư do không tiến hành triển khai đúng quy định.

"Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước", Bộ Công Thương cho biết.

"Vấn đề ở đây là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường", Bộ này cho biết.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, các loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành các biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có trợ giá của nước ngoài. Giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép.

Theo báo cáo của Bộ này, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7-10 triệu tấn/năm, mỗi năm có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước. Lượng quặng sắt trong nước đủ dùng cho khoảng thời gian 30 năm. Với giá quặng nhập khẩu hiện nay khoảng 60 USD/tấn thì mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào giá trị sản xuất nội địa, tương đương 2 triệu tấn dầu thô theo thời giá hiện nay, đóng góp khoảng 0,3% GDP.

Các nhà máy thép cán nóng trên thế giới đều được xây dựng với công suất từ 2-3 triệu tấn/năm trở lên tại các vị trí ven biển gần cảng nước sâu để giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm. Báo cáo cho rằng, với lợi thế hơn 3.000 km bờ biển và hệ thống cảng nước sâu phong phú, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng những Khu liên hợp luyện thép cỡ lớn, đảm bảo hiệu quả về kinh tế và an toàn về môi trường tại các khu vực tiềm năng có cảng nước sâu như Nghi Sơn, Dung Quất, Cà Ná...

Ngoài ra, so với các quốc gia có nền công nghiệp thép phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người thấp nên có lợi thế về nhân công. Thêm vào đó, đặc trưng của sản phẩm thép có trọng lượng và kích cỡ lớn cần có hệ thống phân phối rộng khắp. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép trong thị trường nội địa với hệ thống đại lý sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam là một lợi thế lớn về bán hàng, chi phí thanh toán chuyển đổi ngoại tệ và vận chuyển so với thép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Phương Dung (Dân Trí)

Nổi bật