Theo Russia Today, nhận định trên là của ông William White, chủ tịch ủy ban kiểm tra Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
“Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn hồi năm 2007. Các biện pháp kinh tế vĩ mô mà chúng tôi dùng để chống đỡ nền kinh tế nay đã được sử dụng hết”, nhà kinh tế White nói tại WEF. Ông White là một trong số ít những chuyên gia trong ngành tài chính đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng đang gia tăng trong hệ thống tài chính phương Tây cách đây 8 năm.
“Các khoản nợ đã tiếp tục chồng chất trong vòng 8 năm qua và đã đạt đến mức độ tại tất cả các nơi trên thế giới, những khoản nợ này đã trở thành nguyên nhân nguy hại tiềm năng. Cuộc suy thoái tiếp theo rõ ràng sẽ có chuyện nhiều trong số các khoản nợ này không được hoàn trả, và việc này sẽ gây khó chịu cho rất nhiều người, những người nghĩ rằng sở hữu các loại tài sản là việc tốt”, ông White nói.
Các nhà băng châu Âu sẽ phải đối mặt với vấn đề lớn trong tương lai. Hiện giờ, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã ghi nhận 1.000 tỉ USD trong các khoản vay không hiệu quả.
Ông White còn cho biết thêm các thị trường mới nổi giờ đây là một phần quan trọng trong vấn đề, dù rằng sau vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008, các thị trường mới nổi từng là một phần của giải pháp. Với nhân dân tệ, việc đồng tiền này được phá giá cũng sẽ để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Theo CNBC, Citigroup hôm 21.1 cũng cảnh báo rằng nền kinh tế thế giới đang trên bờ vực suy thoái, với việc các ngân hàng trung ương sẽ giảm các gói kích thích trong thời gian tới và tăng trưởng bị kìm hãm bởi kinh tế Trung Quốc. Ngân hàng này cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống còn 2,7%, hạ triển vọng kinh tế Mỹ, Anh, Canada và một số thị trường mới nổi như Nga, Nam Phi, Brazil và Mexico.
Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)