Thấy gì từ việc BIDV rút lui khỏi thị trường vàng miếng?

16/05/2018 08:08:04

Thị trường vàng từng có thời được xem là “miếng ngon béo bở” khi giá vàng lên xuống điều chỉnh cả chục lần mỗi ngày. Nỗi lo lạm phát, tiền đồng VND mất giá khiến người ta đổ xô đi mua vàng và ngoại tệ. Tuy nhiên đến nay, có thể thấy, nhà đầu tư đang khá quay lưng lại. Có ngân hàng đã xin rút lui khỏi hoạt động này.

Thấy gì từ việc BIDV rút lui khỏi thị trường vàng miếng?
Sức mua vàng miếng tại Việt Nam đang giảm dần?

Ngày 10/05/2018, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đã nhận được quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Theo đó, 9 chi nhánh của BIDV tại các địa phương Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai... sẽ ngừng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng từ giữa tháng 5/2018. Hoạt động kinh doanh vàng miếng của BIDV được cấp phép vào năm 2012. Như vậy, sau 5 năm gia nhập, BIDV đã chính thức rút lui khỏi hoạt động kinh doanh này. 

Về động thái của BIDV, một số chuyên gia kinh tế cho rằng là dễ hiểu trong bối cảnh nhu cầu vàng miếng trên thị trường sụt giảm mạnh và sức hấp dẫn ngày càng giảm sút. Không chỉ BIDV mà thực tế, nhiều NH thương mại đã thu hẹp mạng lưới giao dịch vàng miếng, nhiều chi nhánh NH không còn kinh doanh vàng miếng trong thời gian qua. Doanh thu từ kinh doanh vàng cũng giảm mạnh trong tổng doanh thu của NH.

Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý I/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008, chỉ còn 973,5 tấn, giảm 7% so với quý trước. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, khi kinh tế thế giới cải thiện và các thị trường chứng khoán duy trì đà tăng giá. Nhu cầu vàng yếu phần lớn do đầu tư vàng thỏi và vàng xu giảm mạnh.

Nhu cầu vàng miếng ở Việt Nam trong quý I/2018 và năm 2017 theo một số chuyên gia cũng ngày càng giảm sút. Ngay cả dịch vụ giữ hộ vàng có tốn phí cũng không có nhiều ngân hàng  triển khai.

Hiện giá vàng thế giới đang ở mức 1.320 USD/ounce, giảm nhẹ so với phiên trước và dự báo chỉ xoay quanh mức 1.350 USD/ounce đặc biệt khi đồng đô la tăng giá

Còn nhớ, việc xin cấp phép vàng miếng được các ngân hàng rốt ráo khi Nghị định 24 về quản lý và kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực. Thời đó, các ngân  hàng và doanh nghiệp đều đổ xô xin cấp phép. Theo công bố hồi tháng 12/2012 từ Ngân hàng Nhà nước, 17 ngân hàng, cửa hàng được phép kinh doanh, mua bán vàng miếng. Những cái tên ngân hàng cổ phần quen thuộc được nhắc đến gồm có ACB, Eximbank, Sacombank, SaiGonBank, MaritimeBank, Techcombank… và thậm chí có cả 3 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Agribank, Vietinbank.

Ngoài ra, 14 tập đoàn, công ty, cửa hàng vàng bạc đá quý trong đó những thương hiệu như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, AJC, SBJ… cũng có tên trong danh sách. Với hơn 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên cả nước, có hơn 2.400 đơn vị được tiếp tục kinh doanh.

Theo các chuyên gia, tại thời điểm này, NHNN đang điều hành quản lý thị trường vàng tốt. Đặc biệt, khi có lượng dự trữ ngoại hối gần 60 tỷ USD. "Không chỉ ở trên thị trường ngoại hối mà thị trường vàng cũng sẽ được cơ quan này quản lý rất tốt và tiếp tục duy trì được sự ổn định của cả hai thị trường này.", ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)

Nổi bật