Được ký kết vào ngày 15/11/2020 bởi 15 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, hiệp định RCEP hướng tới mở rộng các cơ hội hiện hữu trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, đồng thời đem đến biện pháp bảo vệ giúp trấn an các nhà đầu tư tiềm năng.
Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, Tiến sĩ John Walsh, cho rằng, nhờ hiệp định này các lĩnh vực đã thành công từ trước sẽ thu hút thêm đầu tư và các lĩnh vực liên quan sẽ thu hút đầu tư mới.
"Điều này có nghĩa là hoạt động sản xuất và lắp ráp từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được đẩy mạnh, còn một số hoạt động công nghiệp sẽ được di dời khỏi Trung Quốc sang đây. Nhiều khả năng lĩnh vực năng lượng sẽ thu hút thêm đầu tư, thể hiện ở việc các công ty Thái Lan đang tất bật mua lại năng lực sản xuất điện mặt trời của Việt Nam", ông nhận định.
Tiến sĩ Walsh cho rằng, các điều khoản cho ngành dịch vụ cũng như tăng cường bảo vệ đầu tư có thể khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, cũng như lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và kinh doanh siêu thị.
"Đến một lúc nào đó, tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ có đủ niềm tin vào hệ thống bán lẻ và phân phối quốc gia để mở cửa thị trường hơn nữa đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Điều này không chỉ mang lại nhiều cơ hội hơn cho người tiêu dùng mà còn tạo cơ hội cho nông dân địa phương tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu", Tiến sĩ Walsh nhận định.
Theo vị chuyên gia từ RMIT, để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng vào các yếu tố sau:
Yếu tố đầu tiên, theo ông, là cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông và kết nối viễn thông. Tiếp đến là giáo dục để bổ sung kỹ năng và năng lực cho lực lượng lao động.
"Hiện Việt Nam đang thiếu hụt lao động có kỹ năng và Chính phủ có thể tìm cách khuyến khích người dân theo học các trường dạy nghề hơn là đổ xô vào đại học. Những kỹ năng và kiến thức mà sinh viên Việt Nam học được từ các trường đại học ngoài nước cũng nên được đưa vào kinh tế trong nước bất kể khi nào có thể", Tiến sĩ Walsh nhận định.
Yếu tố tiếp theo là cần chú trọng là vấn đề thiếu hụt doanh nghiệp cỡ vừa, tức doanh nghiệp với quy mô 25-100 nhân viên và cơ cấu phòng ban bài bản.
"Khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư, các nhà đầu tư muốn tìm nơi có doanh nghiệp địa phương đáng tin cậy, đồng thời có khả năng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tại chỗ để họ có thể yên tâm tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn thiếu các công ty như vậy. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam phải đầu tư thêm để có nguồn cung và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của họ", Tiến sĩ Walsh giải thích.
"Cần tìm cách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô để có thể giành được hợp đồng với những doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài".
Tiến sĩ Walsh bổ sung rằng các doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng chiến lược Thái Lan +1 hoặc Trung Quốc +1. Theo đó, nhà đầu tư có thể thực hiện các khâu sản xuất hoặc lắp ráp phức tạp hơn ở quốc gia chính và sau đó thực hiện các hoạt động đơn giản hơn ở quốc gia khác.
"Điều này đòi hỏi phải có mạng lưới giao thông tốt và gỡ bỏ thuế quan hoặc rào cản không cần thiết đối với việc vận chuyển hàng hóa trung gian xuyên biên giới", ông nhấn mạnh.
Theo Đỗ Lan (Doanh nghiệp & Tiếp thị)