Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về động thái cấp tiếp hạn mức tăng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước dịp cuối năm, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, đánh giá quyết định này là phù hợp trong bối cảnh áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỉ giá đã dịu bớt khá nhiều.
Ở trong nước, lạm phát được kiểm soát khá tốt, áp lực tăng lãi suất và tỉ giá cũng dịu dần; thanh khoản hệ thống ngân hàng đã tốt lên với việc tiền gửi của dân cư tăng trở lại. Đồng thời, nhu cầu vốn để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm của doanh nghiệp và người dân là rất lớn.
"Động thái này sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới. Trong khi đó, tác động không đáng kể đến lạm phát do lượng vốn tín dụng tăng thêm khoảng gần 200.000 tỉ đồng, với khả năng hấp thụ nhanh và đáp ứng các nhu cầu thiết thực như dự án, công trình dở dang, người mua nhà, các hợp đồng xuất nhập khẩu và các khoản nợ đến hạn…" – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thông tin đến thời điểm này, room tín dụng của Vietcombank còn khoảng 20.000 tỉ đồng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho khách hàng từ nay đến hết năm, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu… Vietcombank cũng cam kết cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Tại báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia phân tích nhận định việc Ngân hàng Nhà nước chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối 2021, nâng tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 vào khoảng 400.000 tỉ đồng. Dù tỉ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, Ngân hàng Nhà nước đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
"Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều khi huy động vốn tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng" – chuyên gia SSI nhận xét.
Chứng khoán giảm mạnh
Trái với kỳ vọng của giới đầu tư sau thông tin tích cực về nới room tín dụng, thị trường chứng khoán sáng 6-12 lại đột ngột giảm mạnh tới 20 điểm so với phiên trước. Đến cuối phiên sáng, đà giảm của VN-Index thu hẹp còn khoảng 16 điểm (-1,47%), tạm dừng tại chỉ số VN-Index ở mức 1.077,59 điểm nhưng số mã giảm trên sàn HoSE vẫn gấp gần 3 lần mã tăng (307 giảm và 133 mã tăng).
Dù vậy, mức giảm của hầu hết các mã đều không quá lớn do vẫn có lực cầu mua vào khá tốt. Điều này giúp thanh khoản trên sàn tiếp tục tăng mạnh so với sáng hôm qua, khi đạt tới hơn 10.800 tỉ đồng.
Nhiều nhà đầu tư trước đó kỳ vọng thông tin tích cực từ việc nới room tín dụng và các doanh nghiệp có thêm khả năng tiếp cận vốn tín dụng cuối năm sẽ giúp chứng khoán kéo dài chuỗi tăng tiếp. Tuy nhiên, thị trường lại phản ánh ngược lại khi nhiều nhà đầu tư khác chốt lời sau đợt hồi mạnh những ngày qua.
Trái ngược với sàn HoSE, ở sàn Hà Nội, HNX-Index vẫn tăng nhẹ 0,38 điểm, lên 220,34 điểm. Thanh khoản sàn này cũng tăng vọt, đạt hơn 1.070 tỉ đồng.
Theo Thái Phương - Thy Thơ (Nld.com.vn)