Kể từ khi Youtube bắt đầu trả tiền quảng cáo cho các video do cá nhân tự sản xuất, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã coi đó như một nghề kiếm sống thực sự. Một video đăng tải có lượt xem càng nhiều, số tiền nhận được càng lớn. Để thu hút sự theo dõi của khán giả, các chủ kênh phải liên tục sáng tạo, đổi mới nội dung, đầu tư tiền của để cho ra một video chất lượng.
Với những kênh Youtube có lượng theo dõi hàng đầu Việt Nam hiện nay, tiền quảng cáo thu được hàng tháng có thể lên tới vài tỷ đồng. Tuy nhiên, với người mới gia nhập mọi việc không hề dễ dàng. Bởi số lượng kênh đang lên tới con số hàng chục nghìn, nội dung phần lớn chỉ đi sao chép lại lẫn nhau nên không tạo được điểm nhấn.
Để tăng lượt theo dõi (subscribe) các chủ kênh mới thường phải đăng những video gây sốc để tạo tiếng vang. Một trong những cách làm mà nhiều bạn trẻ hướng tới đó là làm video về các thử thách mạo hiểm. Ví dụ, thử thách leo trèo ở những mỏm đá có độ nguy hiểm cao, thám hiểm hang động, sống trong rừng mà không cần mang theo lương thực v.v...
Càng ngày, tính nguy hiểm càng được tăng lên. Mới đây, nhân việc một Youtuber nước ngoài đã thiệt mạng vì thử thách bịt mắt lái xe ô tô, vì thế Youtube đã đưa ra lệnh cấm đăng tải các video thử thách mạo hiểm, có tính chất gây hại cho cộng đồng.
Trước thông tin đó, anh Nguyễn Hùng, chủ một kênh video chuyên về giải trí, thử thách mạo hiểm, bày tỏ quan điểm: "Thời gian gần đây, chính sách của Youtube thay đổi liên tục khiến những người kiếm tiền từ video như mình vô cùng mệt mỏi. Có thể họ nói là cấm video mạo hiểm nhưng mức độ như thế nào là vi phạm thì lại chưa rõ ràng. Nếu như chỉ dựa vào việc báo cáo vi phạm từ người xem thì cũng không ổn, vì trong giới làm video, tình trạng chơi xấu nhau là rất phổ biến."
Đồng ý kiến với anh Hùng, Hoàng Sơn - một sinh viên CNTT đang sở hữu vài kênh video - cho biết: "Cận Tết, các doanh nghiệp đầu tư quảng cáo rất nhiều để bán sản phẩm. Thời điểm này năm ngoái mình có thể kiếm được hàng chục triệu đồng một tháng. Thế nhưng năm nay mấy kênh của mình đã bị Youtube tắt tính năng kiếm tiền vì vi phạm chính sách của cộng đồng. Mình đã gửi email tới Youtube nhưng chưa được phản hồi. Việc tạo lại kênh mới rất phức tạp do chính sách bị thắt chặt".
Sơn cho rằng việc kiếm tiền bằng làm video ở Việt Nam ngày càng khó khăn bởi sự cạnh tranh ngầm giữa các chủ kênh. Ngoài ra, một số người vì bất chấp kiếm tiền mà làm những video phản cảm nên các Youtuber Việt Nam cũng phải chịu sự "quan tâm" đặc biệt từ nhà cung cấp dịch vụ này.
Trước đây, cộng đồng mạng Việt Nam đã từng có phen rúng động khi những video nội dung bẩn gắn mác các nhân vật hoạt hình như Spiderman, Elsa tràn lan gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Sang năm 2018, kênh video của một bà mẹ Việt với những đoạn phim khoe thân lố bịch còn khiến cả những Youtuber nước ngoài lên tiếng chỉ trích gay gắt.
Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)