Bộ Tài chính cho biết Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, sau 10 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, phải tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế.
Luật quản lý thuế hiện tại có những điểm chưa được quy định hoặc quy định không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết hiệp định thuế đa phương...
Luật quản lý thuế cũng chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hoá quản lý thuế. Khó có thể triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục quản lý thuế điện tử, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt…
Một trong số những vấn đề đã được Bộ Tài chính nêu lên và đề nghị sửa đổi tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi liên quan tới quy định về thời hạn thanh tra thuế. Hiện tại, theo quy định thời hạn thanh tra do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày làm việc.
Tuy vậy, theo đánh giá, thực tế, thời gian dành cho việc cung cấp hồ sơ, tạm dừng, hoãn thanh tra chiếm rất nhiều thời gian nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có phát sinh giao dịch liên kết.
Bởi vậy, quy định thời gian thanh tra như luật hiện hành theo đại diện Bộ Tài chính chỉ phù hợp với các cuộc thanh tra thông thường.
Bộ Tài chính cho rằng, đối với các cuộc thanh tra chuyên đề, thanh tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, quy định hiện tại không phù hợp do việc thu thập thông tin về công ty mẹ, công ty liên kết ở nước ngoài, thông tin về các giao dịch diễn ra ở bên ngoài Việt Nam mất rất nhiều thời gian.
Đặc biệt, nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phải thực hiện trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài nên trong quá trình làm việc, các đoàn thanh tra phải tạm dừng nhiều lần chờ cung cấp, trao đổi thông tin.
Dẫn báo cáo tổng kết của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), đại diện Bộ Tài chính cho hay, thời gian trung bình để thực hiện một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng tại các nước trên thế giới là 573 ngày làm việc.
“Qua thanh tra thực tế đối với một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, BigC... thì thời gian để hoàn thành một cuộc thanh tra thường trên 1 năm do phải tạm dừng thanh tra để chờ doanh nghiệp cung cấp bổ sung thông tin, hồ sơ, tài liệu,” dự thảo nêu lên.
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi trong đó phương án 1 là thực hiện theo quy định hiện hành.
Phương án 2 là bổ sung quy định: Trường hợp thanh tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết xuyên biên giới thời hạn thanh tra không quá 360 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế. Ngoài ra, thời gian thanh tra không bao gồm thời gian cung cấp tài liệu, trao đổi thông tin và thời gian tạm dừng, hoãn.
Theo Phương Dung (Dân Trí)