Thanh tra 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương

25/09/2017 10:14:00

Thông tin từ Thanh tra Bộ Công Thương cho hay, lãnh đạo Bộ Công Thương vừa ban hành các quyết định thanh tra tại 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc bộ này quản lý gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Thông tin từ Thanh tra Bộ Công Thương cho hay, lãnh đạo Bộ Công Thương vừa ban hành các quyết định thanh tra tại 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc bộ này quản lý gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Résultat de recherche d'images pour
 

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra một số dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương tại một số Dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Hàng loạt sai phạm về đầu tư, thực hiện và nghiệm thu quyết toán dự án cũng đã được công bố sau khi kết thúc thanh tra. Tuy nhiên, đến nay, chưa có lãnh đạo nào của các đơn vị trên bị xử lý.

Trong phương án trình Chính phủ mới đây, đối với Cty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Bộ Công Thương xây dựng 3 phương án gồm: Chuyển đổi sở hữu Cty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; phá sản Cty DQS và phương án 3 là tiếp tục tái cơ cấu Cty DQS. Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án 2, cho phá sản. Tuy nhiên, có xem xét đến phương án chuyển đổi sở hữu. Nếu lựa chọn phương án phá sản thì PVN sẽ mất ít nhất khoảng 5.000 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2017, ngoài việc tiếp tục thi công đóng mới 02 tàu dịch vụ (chủ tàu Vietsovpetro), tàu Gas 1.200 m3 (chủ tàu Việt Xuân Mới), hoàn thiện sửa chữa tàu Côn Sơn, Chí Linh (phần thi công súc rửa tại Vũng Tàu), Cty DQS đã nỗ lực tìm kiếm và bổ sung các đơn hàng từ các đơn vị trong và ngoài ngành như tàu Epic 8, Epic 9, Petrolimex 18, Petrolimex 14... Tuy nhiên, giá các đơn hàng này không lớn (bình quân một đơn hàng chỉ đạt khoảng 3 tỷ đồng) nên không thể bù đắp được phần doanh thu bị thiếu so với kế hoạch đã được PVN phê duyệt. DQS cũng đã nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) 12,47 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Vinachem ngày 27/10/2016, nhiều sai phạm tại dự án đã được chỉ rõ. Đáng chú ý là từ khi nhà máy đi vào sản xuất thương mại từ tháng 7/2015 đến thời điểm 30/6/2016 sản lượng sản xuất không đạt được mục tiêu được duyệt. Công suất trung bình chạy máy chỉ đạt 65,2% sau 5 tháng đi vào hoạt động và sau đó công suất trung bình chạy máy tiếp tục giảm xuống còn 43,5%. Năm 2015, dự án lỗ trên 154,5 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2016, lỗ trên 281 tỷ đồng. Dự án bị đội vốn gần 700 tỷ đồng so với phương án được duyệt, lên 5.170 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù Thanh tra Bộ Xây dựng và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 nhưng nhiều cá nhân có liên quan đến sai phạm tại dự án và ở Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm qua loa và tiếp tục được thăng quan tiến chức về sau này.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An là dự án được phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Gần 10 năm triển khai và đầu tư gần 2.700 tỷ đồng, dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Dự án đã qua 2 lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công. Bộ Tài chính đã từng phải dùng Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài để trả nợ thay Tổng công ty Giấy Việt Nam số tiền hơn 1.398 tỷ đồng vay nước ngoài để đầu tư dự án.

Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)