Để đạt được những kết quả khả thi trên thực tế, phía cơ quan chức năng nhìn nhận cần có giải pháp để thay đổi thói quen và mang người dùng tới các hình thức thanh toán mới.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Để đạt được những kết quả khả thi trên thực tế, phía cơ quan chức năng nhìn nhận cần có giải pháp để thay đổi thói quen và mang người dùng tới các hình thức thanh toán mới.
Sẽ phổ biến thanh toán không tiền mặt
Mục tiêu tổng quát của đề án nêu trên là tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.
Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Mục tiêu cụ thể được đề án đặt ra đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Đáng chú ý, đối với các dịch vụ công, mục tiêu của đề án hướng tới từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trên thực tế, hoạt động thanh toán không tiền mặt trong những tháng gần đây ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 435,25 triệu lượt với giá trị 22,78 triệu tỉ đồng; tăng hơn 54% về số lượng và 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Khảo sát của một công ty về công nghệ thanh toán mới đây cũng cho thấy, 85% người được hỏi cho biết từ nay sẽ duy trì thanh toán không dùng tiền mặt, 6% nghĩ rằng không bao giờ cần dùng đến tiền mặt nữa.
Còn nhiều gian nan
Dù đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, nhưng ngay từ phía cơ quan chức năng cũng nhận định, hiện nay tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử vẫn còn thấp.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hà Nội cho biết: "Thay đổi thói quen trong thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt là một quá trình khó khăn, khi tiền mặt vẫn phổ biến trong các giao dịch mua bán hiện nay. Để thay đổi cần có những phương thức thanh toán mới, tích hợp thuận tiện hơn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân khiến tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử chưa cao là do niềm tin của người tiêu dùng đối với các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn hạn chế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa đồng bộ.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đại diện phía Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong khu vực công. Đồng thời, triển khai nhiều hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng thanh toán không tiền mặt các dịch vụ thiết yếu như: Điện, nước, học phí, viện phí, cước viễn thông. Bên cạnh đó, đơn vị này tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động; sắp xếp và phát triển hợp lý mạng lưới ATM; tăng cường các quy định đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong lĩnh vực thanh toán thẻ…
Tại Việt Nam đã có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 40 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,3 triệu ví (tăng khoảng 2,7 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020).
Theo Đình Trường (Lao Động)