Vườn thanh long 600 trụ của gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc) đang chín tới, khoảng ba hôm nữa sẽ thu hoạch. Ngày 21/1, chị gọi thương lái đến xem hàng. Người lái đầu tiên ngã giá 7.000 đồng một ký và những người đến xem sau cũng trả cùng mức giá trên. Giá này chỉ bằng một nửa so với mức bình quân cùng kỳ những năm trước.
Vườn nhà chị lứa này khá đạt năng suất với khoảng 5 tấn. Những tưởng năm nay gia đình sẽ ăn Tết lớn, nhưng rồi lại hụt hẫng vì giá quá rẻ. Chị nhẫm tính tiền bán thanh long được 35 triệu, trừ chi phí tiền điện chong đèn hết hơn 8 triệu, công chăm sóc suốt ba tháng ròng rã 22 triệu, gia đình còn dư chưa tới 5 triệu. "Lứa Tết này gia đình tôi đói luôn, không khá hơn các lứa trước", chị Lan buồn bã nói.
Tại xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam), tuần trước, gia đình anh Lê Minh Tuấn cũng vừa thu hoạch 11 tấn. Thanh long ở vùng này ít sâu bệnh, hàng thuộc loại chất lượng, nhưng anh cũng chỉ bán được với giá 11.000 đồng một kg. Anh cho biết tuy có lãi nhưng không đáng kể bởi làm hàng đẹp, anh phải tốn nhiều chi phí đầu tư.
"Không chỉ lứa này, mà những lứa trước giá cũng thấp như vậy. Năm nay, người làm thanh long thua lỗ nặng", anh Tuấn cho biết.
Hiện gia đình anh Tuấn còn khoảng 2 tấn trái đang còn xanh, dự kiến thu hoạch vào những ngày cận Tết. "Hy vọng tới lúc đó sức mua của các chợ nội địa tăng cao, vớt vát được tí nào hay tí đó", anh Tuấn nói.
Không những thanh long ruột trắng, mà loại ruột đỏ cũng có giá thấp. Cách đó vài bước, vườn thanh long ruột đỏ 1.000 trụ của ông Nguyễn Văn Thạo đang cho trái sắp chín, dự kiến thu hoạch vào ngày 15 tháng Chạp. Lứa thanh long tơ đầu tiên trong vườn sản lượng không nhiều, khoảng một tấn. Ông Thạo thấp thỏm lo âu bởi thị trường đang ảm đạm.
Theo ông Thạo, thông thường những năm trước thanh long ruột đỏ có giá trên 30.000 đồng một kg (giá thanh long ruột đỏ thường cao gấp rưỡi thanh long ruột trắng vì tiền đầu tư giống và chi phí chăm sóc cao). Nhưng hiện nay, giá ruột đỏ cũng giảm, chỉ còn 20.000-23.000 một kg.
"Với xu hướng giá như vậy, lứa hàng này cũng chỉ vừa đủ chi phí đầu tư và công chăm, không có dư để đi sắm tết", ông Thạo nói.
Thông thường vào vụ cận Tết, thanh long ruột trắng được mua với giá cao 15.000-20.000 đồng một kg, có năm giá vượt qua cả ngưỡng này vì sức tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các nước châu Á rất lớn. Nhất là thị trường Trung Quốc, người dân nước này rất thích trái thanh long có sắc đỏ hồng chưng trong ngày Tết nguyên đán với quan niệm đem đến sự may mắn.
Tuy nhiên, năm nay thị trường lại đổi chiều. Theo nhiều thương lái địa phương, giá thanh long vụ Tết này thấp là do nguồn tiêu thụ ở Trung Quốc giảm mạnh so với những năm trước đó. Thời tiết giá lạnh cũng như tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến cho sức mua đối với trái thanh long không mấy khả quan.
"Giá thanh long thường phụ thuộc vào các đầu mối bên cửa khẩu, họ nói sức mua giảm nên phát giá thấp", anh Nguyễn Thanh Khải, thương lái chuyên mua thanh long xuất khẩu ở huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.
Bình Thuận trồng thanh long nhiều nhất nước với hơn 30.000 ha, sản lượng trên 600.000 tấn một năm. Loại nông sản này hiện đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường ở các châu lục, nhưng thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn là chủ lực thông qua hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch ở các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Theo Việt Quốc (Vnexpress.net)