Thắng kiện ở Mỹ, vợ chồng đại gia Việt giành lại hơn 300 tỷ đồng

13/08/2021 14:17:43

Sau tin vui từ Nhật, doanh nghiệp của “vua tôm” Lê Văn Quang đón tin vui từ Mỹ. Tuy nhiên, đại gia này lại đối mặt nguy cơ mới.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình ghi nhận lợi nhuận gộp quý II/2021 tăng trưởng 28% so với cùng kỳ lên 228 tỷ đồng. Doanh thu cũng tăng khá mạnh, thêm khoảng 20%, lên gần 3.300 tỷ đồng.

Tính trong cả 6 tháng đầu năm 2021, MPC ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% lên trên 6.100 tỷ đồng và lãi ròng tăng 7% lên 254 tỷ đồng.

Trong quý II, Thủy sản Minh Phú cũng ghi nhận một tin khá tích cực khi thắng trong vụ kiện quốc tế và Hải quan Mỹ đã hủy bỏ quyết định ban hành ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ MPC vào Mỹ.

Quyết định này cho phép MPC tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ, hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác; đồng thời, MPC cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá tạm nộp trước đó.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, Thủy sản Minh Phú ghi nhận phải thu thuế chống bán phá giá tại thời điểm cuối tháng 6 hơn 336 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế chống bán phá giá mà Mseafood - Công ty con của MPC được hoàn lại. 

Thắng kiện ở Mỹ, vợ chồng đại gia Việt giành lại hơn 300 tỷ đồng
Doanh nghiệp nhà ông Lê Văn Quang gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có thuận lợi.

Hồi giữa 2019, MPC đón dòng tiền lớn từ Mitsui - một đại gia Nhật Bản. Cụ thể, Minh Phú đã thông qua phương án phát hành 60 triệu cổ phiếu cho MPM Investments (thuộc Mitsui & Co), tương đương 30% vốn, trị giá tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng. Với quyết định đầu tư mới, tập đoàn Nhật nâng sở hữu tại MPC lên trên 35%.

Tuy nhiên, gần đây, Minh Phú cũng như nhiều doanh nghiệp thủy sản khác của Việt Nam, tiếp tục đối mặt với khó khăn chuỗi cung ứng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, Chủ tịch Lê Văn Quang cho biết, giá cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400%, và chưa biết còn tăng nữa không. Đây cũng là lý do khiến MPC khó hoàn thành kế hoạch đề ra. Kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%.

Thắng kiện ở Mỹ, vợ chồng đại gia Việt giành lại hơn 300 tỷ đồng - 1
Biến động chỉ số VN-Index.

Với kết quả 6 tháng, MPC chỉ mới thực hiện được 39% chỉ tiêu doanh thu và 25% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.

Mặc dù gặp khó khăn nhưng MPC dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 50-70%, gấp 2-3 lần mức trả cổ tức năm 2020 (dự kiến trả bằng tiền mặt tỷ lệ 20%). Hồi cuối năm 2020, MPC trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%, tương đương mỗi cổ phiếu sẽ nhận về 1.500 đồng. Với gần 200 triệu cổ phiếu lưu hành, tổng số tiền Minh Phú chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là 300 tỷ đồng. Khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Chu Thị Bình và chồng là ông Lê Văn Quang cùng gia đình quản lý tổng cộng 87 triệu cổ phiếu MPC, nhận về lượng tiền mặt lên tới 130 tỷ đồng.

Bà Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại Minh Phú với 35 triệu cổ phiếu, tương đương 17,8% cổ phần. Chồng bà Bình là Tổng Giám đốc Lê Văn Quang nắm giữ 32 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,3% cổ phần.

Các con của ông bà chủ Minh Phú đứng tên 11,7 triệu cổ phần MPC. Công ty Đầu tư Long Phụng do ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình sở hữu 90% cổ phần cũng nắm giữ 8,2 triệu cổ phiếu Minh Phú.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 13/8

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giá cổ phiếu có xu hướng đi ngang. Chỉ số VN-Index giảm nhẹ khoảng 1 điểm đầu phiên giao dịch xuống 1.352 điểm. 

Kết thúc phiên sáng nay, VN-Index giảm 4,99 điểm (-0,37%) xuống 1.348,06 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng 267 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,32%) xuống 333,25 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 135 mã giảm và 78 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,65 điểm (-0,71%) xuống 91,33 điểm.

Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên sáng hôm qua với tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.523 tỷ đồng tăng 4,5%, trong đó, giá trị khớp lệnh trên HoSE là 12.293 tỷ đồng, tăng 2%.

Theo BSC, VN-Index giao dịch khá giằng co giữa lực mua và lực bán nhưng cuối cùng cũng trở về với sắc đỏ vào cuối phiên 12/8. Dòng tiền đầu tư tiếp tục thu hẹp khi thị trường chỉ có 5/19 nhóm ngành tăng điểm với biên độ khá thấp. 

Xu hướng suy yếu của thanh khoản quanh khi thị trường điều chỉnh về ngưỡng 1.350 điểm sẽ là bước kiểm tra quan trọng trong ngắn hạn. Nếu thị trường hồi phục khi chạm ngưỡng 1.350 điểm, VN-Index có thể quay trở lại ngưỡng 1.380 điểm. Nếu không, thị trường có thể điều chỉnh về ngưỡng 1.330 điểm.

Chốt phiên chiều 12/8, chỉ số VN-Index giảm 4,74 điểm xuống 1.353,05 điểm. HNX-Index giảm 0,11 điểm xuống 334,33 điểm. Upcom-Index giảm 0,04 điểm xuống 91,98 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 27,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, thấp hơn một chút so với phiên liền trước. Riêng sàn HOSE đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật