Tháng 7 trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP

22/03/2016 08:51:25

Chính phủ giao các bộ Công Thương, Tư pháp chuẩn bị tờ trình để cơ quan này xem xét, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp toàn thể giữa năm nay.

Chính phủ giao các bộ Công Thương, Tư pháp chuẩn bị tờ trình để cơ quan này xem xét, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp toàn thể giữa năm nay.

Theo đó, Chính phủ đánh giá TPP có ý nghĩa rất quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội, là kết quả của một quá trình công phu kéo dài 7 năm.

Trong suốt quá trình đàm phán, Bộ Chính trị đã nghe báo cáo nhiều lần, Ban Chấp hành Trung ương nghe báo cáo hai lần, và Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thông qua nghị quyết cho phép Chính phủ ký và giao Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

“Cho đến nay, dù Hiệp định chưa có hiệu lực nhưng đã bắt đầu mang lại những lợi ích thiết thực cho Việt Nam. Vị thế của Việt Nam được khẳng định trên trường quốc tế, đầu tư nước ngoài tăng, dự báo tác động tích cực đến tất cả các mặt kinh tế, chính trị và xã hội”, Chính phủ nhận định.
 

Theo cơ quan điều hành, việc sớm phê chuẩn Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quyết tâm chính trị cao của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP; góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết; đồng thời có đủ thời gian để các doanh nghiệp, người dân và toàn bộ xã hội chuẩn bị, chủ động tham gia khi Hiệp định có hiệu lực.

Chính phủ đặt mục tiêu trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP vào Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV (dự kiến tháng 7/2016). Để kịp tiến trình này, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện việc rà soát, đánh giá tác động Hiệp định TPP đến hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ được Chính phủ yêu cầu trực tiếp chỉ đạo, tập trung nguồn lực gồm đội ngũ cán bộ pháp chế, cán bộ trực tiếp tham gia đàm phán TPP để hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đánh giá trong lĩnh vực mình phụ trách, kiến nghị danh mục và lộ trình cụ thể các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp trước ngày 10/4 tới.

Tiếp đó, Bộ Tư pháp chủ trì, tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong TPP, kiến nghị lộ trình cụ thể, ưu tiên các văn bản phải ban hành ngay để đảm bảo việc thực thi hiệp định, trình Chính phủ trước ngày 20/4/2016.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện tờ trình phê chuẩn hiệp định TPP theo đúng quy định của Hiến pháp 2013 và Luật ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế, trình Chính phủ trước ngàv 20/4/2016.

TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Việc đàm phán hoàn tất vào tháng 10 năm ngoái và đến tháng 11, toàn văn hiệp định cũng đã được công bố.

Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, hiệp định sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

>> 12 nước chính thức ký kết hiệp định TPP
>> Giữ cách làm hiện tại, TPP có thể là thảm hoạ với nông nghiệp Việt Nam

Theo Chí Hiếu (VnExpress.net)

Nổi bật