Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7, Vietnam Airlines khai thác 11.066 chuyến, VietJet Air 10.551 chuyến, Bamboo Airways 1.423 chuyến, Pacific Airlines 339 chuyến; VASCO 709 chuyến và Vietravel 661 chuyến.
Trong số này, có 15.635 chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam cất cánh đúng giờ, chiếm tỉ lệ 63,2%, tiếp tục giảm so với tháng trước (69,3%).
Có 9.114 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỉ lệ 36,8%, tăng hơn 6% so với tháng trước đó (tháng 6 có 30,7% chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bị delay).
Trong đó, tỉ lệ chuyến bay chậm giờ của các hãng như sau: Vietnam Airlines 23,4%, VietJet Air 55,7%, Pacific Airlines 21,2%, VASCO 16,2%, Bamboo Airways 23,8%, Vietravel Airlines 19,2%.
Tháng 7, tỉ lệ số chuyến bay chậm giờ tăng cao. Đây là tháng cao điểm hè, ngành hàng không tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, đặc biệt là các chuyến bay từ các thành phố lớn đến các điểm du lịch.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng 7/2024 vẫn là do máy bay về muộn (58,8% số chuyến bay delay) và do các hãng hàng không (32,5%).
Các nguyên nhân còn lại được nhà chức trách hàng không chỉ ra là thời tiết, quản lý, điều hành bay, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay và các lý do khác.
Cũng trong tháng 7, có 116 chuyến bay bị hủy, chiếm tỉ lệ 0,5%. Nguyên nhân chủ yếu buộc các hãng phải hủy các chuyến bay trong tháng 2 là lý do khai thác (62,1% số chuyến bay bị hủy), thương mại (24,1%). Còn lại là lý do kỹ thuật, thời tiết và lý do khác.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ là 73,7%; chậm giờ là 26,3%. Trong đó, tỉ lệ chậm chuyến của các hãng như sau: Vietnam Airlines 17,1%, VietJet Air 37,6%, Pacific Airlines 32,6%, VASCO 16,2%, Bamboo Airways 17,9%, Vietravel Airlines 16,9%.
Giá vé 2/9 hạ nhiệt so với dịp 30/4-1/5
Dịp 2/9 sắp đến, các hãng hàng không Việt Nam đã có kế hoạch triển khai tăng số lượng chuyến bay trên các đường bay khai thác, đặc biệt là các đường bay du lịch nội địa.
Các hãng sẽ khai thác tổng số 4.257 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày, tăng 3% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, số chuyến bay nội địa bình quân là 600 chuyến/ngày, tăng 5% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023; số chuyến bay quốc tế bình quân là 241 chuyến/ngày, giảm 2% so với tuần trước nghỉ lễ và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Với riêng hoạt động khai thác trên các đường bay nội địa, đường bay trục Bắc Nam (các đường bay kết nối 3 thành phố lớn: Hà Nội -Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh), các hãng đẩy mạnh khai thác có số chuyến bay tăng cao, với bình quân 241 chuyến/ngày, tăng 8% so với tuần trước lễ và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát dữ liệu giá vé ngày 20/8, giá vé trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tăng hơn so với ngày thường trước kỳ nghỉ lễ, khoảng 20%.
Trên đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giá vé cao nhất ghi nhận là khoảng 2,6 triệu đồng/chiều của Vietnam Airlines cung ứng ngày 30/8 vào khung giờ ban ngày (đã gồm suất ăn), tăng 8% so với một tuần trước đó (ngày 23/8); cũng với thời gian bay này, Vietjet Air có mức giá khoảng 2,3 triệu đồng/chiều, tăng 25% so với một tuần trước.
Khi so sánh với dữ liệu với dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5/2024, dù cũng là giai đoạn cao điểm trong năm, giá vé dịp lễ 2/9 đã giảm hơn đáng kể và duy trì nhịp ổn định trong dịp Hè vừa qua.
Theo đó giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa trong giai đoạn này đều thấp hơn, dao động 40%-60% với mức tối đa theo quy định.
Theo Dy Khoa (Nguoiduatin.vn)