Tại sao lãnh đạo nữ trong các startup lại hiếm?
Bà Lê Diệp Kiều Trang, TGĐ Go – Viet đã có những chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp tại một sự kiện do Startup Grind Vietnam tổ chức gần đây.
Nói về những leader (người lãnh đạo) nữ trong cộng đồng khởi nghiệp, bà Trang cho biết vẫn còn sự chênh lệch lớn với nam giới. "Đa phần những startup công nghệ bắt đầu là kỹ sư, trong khi đó, tại trường đại học, kỹ sư là nữ đã rất ít", bà nói.
Do vậy, tại những công ty khởi nghiệp công nghệ ở thời gian đầu, rất hiếm có cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ vốn không có nền tảng từ công nghệ.
Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi công ty phát triển hơn với việc tăng thêm nhu cầu ở các phần việc khác như gọi vốn, marketing, tuyển dụng nhân sự… "Cơ hội sẽ bình đẳng hơn giữa nam và nữ ở giai đoạn này", bà Trang nói.
Tuy nhiên, bà chỉ ra rằng một điểm yếu của các leader nữ là tính tập hợp nhân lực. Không quá rõ ràng về mặt nguyên nhân nhưng có vẻ như khi nam giới lãnh đạo, họ sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn.
"Nữ giới dù làm tốt chuyên môn, giỏi về nhiều mặt nhưng không khiến cho nhiều người quy tụ lại. Thường họ sẽ là người lãnh đạo một bộ phận trong công ty nhưng hiếm khi là ‘đầu tàu’".
Để cho các nhân sự thấu hiểu, gần gũi với người lãnh đạo, từ kinh nghiệm bản thân, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng cần thời gian để thiết lập sự tin tưởng.
"Trở thành lãnh đạo không thể nhanh chóng dù mình có nhiều năng lực", bà nhấn mạnh.
Theo bà Trang, một điểm yếu của nữ giới khi làm lãnh đạo là "quá chi tiết và không đủ rộng lượng nên khó thu hút nhân tâm". Không quy chụp cho tất cả phụ nữ làm lãnh đạo, nhưng theo bà Trang, phụ nữ thường là người chi tiết hơn nam giới.
"Phải biết chấn nhận khi người khác phạm lỗi, để họ nếu thất bại còn có thể thể làm lại. Hôm nay họ như vậy nhưng ngày mai thì chưa chắc", bà Trang nói.
Mặt khác, TGĐ Go-Viet cho rằng phải cởi mở, chấp nhận giảm bớt cái tôi, để có thể tuyển được người giỏi.
Nguyên nhân rời Facebook và tương lai gì ở Go – Viet?
Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng đã có chia sẻ về lý do rời khỏi vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam chỉ sau 9 tháng.
"Nguyên nhân tôi rời khỏi Facebook là vì lý do gia đình. Tôi không sắp xếp được việc nhà", bà nói. Tuy nhiên, Facebook đối với bà là một môi trường tuyệt với với những sản phẩm tuyệt vời.
"Một mảng của Facebook mà tôi rất đam mê là social commerce. Không thể phủ nhận được tác động của nó đến nền kinh tế khi sẽ xuất hiện một mảng mới mà ở đó, người bán và người mua gặp nhau", bà Trang nói.
Điểm hấp dẫn ở đây là nó đã tạo ra cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh cho những người làm ăn nhỏ lẻ mà không cần vốn lớn.
"Tôi không đi cùng Facebook được lâu và phải dừng lại. Còn ở Go-Viet và Go-Jek, tôi nhìn thấy câu chuyện tương tự, hướng đến nhóm người lao động thu nhập thấp, những người buôn bán nhỏ lẻ", bà Trang chia sẻ, "Tôi tin là nó sẽ tạo ra công việc cho nhiều người, bài toán kết nối người mua và người bán sẽ được công nghệ giải quyết. Tôi thích điều đó vô cùng".
Theo Nam Dương (Soha/Trí Thức Trẻ)