Một loại đồ ăn xa xỉ khác là thịt bò Kobe cao cấp, đúng nguồn gốc cũng chính thức có mặt tại Việt Nam. Theo đại diện đơn vị nhập khẩu, sản phẩm thịt bò chất lượng cao cấp sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận nồng nhiệt, sớm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Người tiêu dùng tò mò với nhiều sản phẩm hàng Nhật |
Tại hội chợ hàng thương hiệu Nhật Bản mới diễn ra, sức hút của hàng Nhật được thấy rõ qua đông đảo các gian hàng được người tiêu dùng lựa chọn, thậm chí phải xếp hàng dài để thanh toán. Các sản phẩm hàng hóa khá đa dạng từ thực phẩm, tới hàng gia dụng và thậm chí cả khăn lau bát, bông tai cũng được bày bán.
Trước nhu cầu này, Tập đoàn Aeon đã tăng cường việc đưa hàng Nhật vào hệ thống phân phối của mình tại Việt Nam. Siêu thị này từng bước đưa hàng Nhật vào các kệ hàng thông qua chuỗi siêu thị Aeon và các hệ thống mà tập đoàn sở hữu cổ phần là Aeon Citimart và Aeon Fivimart.
Chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, đến nay Aeon đã mở được 4 trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản vẫn hướng tới mục tiêu mở 20 trung tâm thương mại Aeon Mall tại Việt Nam.
Hai hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop và FamilyMart đang tham vọng sẽ có khoảng 1.000 trong tương lai gần. Trong đó, chỉ riêng Mini Stop đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng. 7 Eleven đang chuẩn bị để bước vào thị trường Việt Nam.
Theo đó, các cửa hàng tiện ích này sẽ có quầy sản phẩm Nhật Bản với 50-60 loại sản phẩm. Bằng sự tiện lợi và chất lượng dịch vụ tốt, các thương hiệu bán lẻ Nhật sẽ có nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh tiêu dùng hàng Nhật tại Việt Nam.
Tiềm năng thị trường Việt
Sau thành công của các hoạt động thương mại và đầu tư với xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã nhận ra tiềm năng ngày càng to lớn của thị trường Việt Nam, đặc biệt là bán lẻ.
Giỏ quà Tết đồ Nhật |
Theo các DN Nhật, Việt Nam là một thị trường lớn với trên 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập đang tăng mạnh là điều kiện tốt để phát triển mảng bán lẻ. Đặc biệt, việc Việt Nam là thành viên của TPP cũng là lợi thế để Nhật đẩy mạnh việc đưa hàng vào thị trường này.
Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết các DN Nhật sẽ đẩy mạnh đưa hàng hóa như bánh kẹo, nông sản, nguyên liệu, thực phẩm Nhật... vào Việt Nam.
Đánh giá về hàng Nhật, ông Lê An Hải, Vụ Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho biết, người dân Việt đã quen với hàng hóa của Nhật bởi uy tín, chất lượng, đồ bền và sự hài lòng khi sử dụng. Quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước không ngừng phát triển. Nhật Bản luôn nằm trong top 5 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các đơn vị nhập khẩu, hàng Nhật về Việt Nam vẫn có giá cao do chi phí vận chuyển, thuế cao so với giá bán ở Nhật nên việc đưa hàng Nhật vào tiêu thụ tại hệ thống còn khó khăn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần phải mất nhiều thời gian đàm phán về các điều kiện, tiêu chuẩn mới có thể trở thành đơn vị phân phối trực tiếp tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, người tiêu dùng cần phân biệt giữa hàng Nhật và hàng thương hiệu Nhật Bản, bởi nhiều sản phẩm, hàng hóa có tên Nhật nhưng được đặt hàng sản xuất ở nước khác, trong đó có cả Việt Nam.
Theo D.Anh (VietNamNet)