Tết buồn không lương thưởng của môi giới bất động sản

04/02/2019 08:26:21

Từ năm 2020, hệ thống Giải đua xe công thức 1 (F1) chính thức có tên vòng đua Hà Nội - Việt Nam.

Bỏ việc giao dịch viên ngân hàng, bén duyên nghề môi giới địa ốc từ năm 2017, anh Huy đã từng nếm trải một cái Tết ngọt ngào năm Mậu Tuất, với mức thu nhập dao động 15-18 triệu đồng mỗi tháng nhờ bán được hàng thời thị trường sôi động. Năm ngoái, mức thưởng cuối năm của anh môi giới mới vào nghề , rủng rỉnh tiền tiêu Tết. Thế nhưng, Tết Kỷ Hợi kịch bản hoàn toàn bị đảo ngược.

6 tháng đầu năm 2018, Huy chỉ bán được 5 sản phẩm, đều là căn hộ bình dân, phí môi giới nhận về 1% mỗi căn, thu nhập tạm đủ trang trải cuộc sống. Bao nhiêu kỳ vọng bùng nổ doanh số dồn vào những tháng cuối năm, là mùa cao điểm bán hàng trong năm. Trông cậy vào một siêu dự án tại quận 9, anh Huy nỗ lực chạy quảng cáo facebook, google và phát tờ rơi để săn khách đặt chỗ.

Trên thực tế, hai quý cuối năm lại vô cùng chật vật, thị trường bất động sản TP HCM ngày càng sụt giảm nguồn cung mạnh mẽ. Thanh khoản chững lại, các dự án chuẩn bị chào bán đều dời ngày tung hàng vì cần thêm thời gian để hoàn tất hồ sơ pháp lý. Tình hình thanh kiểm tra các dự án trên địa bàn TP HCM cũng gây hoang mang cho khách hàng và giới đầu tư, khiến anh Huy chẳng bán được gì, thu nhập hàng tháng sụt giảm mạnh, chỉ trông chờ vào mức lương cơ bản cực kỳ ít ỏi.

Tổng kết năm 2018, anh Huy nhận về khoản lương cứng chỉ vài triệu đồng, không đủ trả tiền thuê nhà, đổ xăng và trang trải cuộc sống. Đã thế, khoản ứng trước của công ty để chạy quảng cáo còn bị báo nợ, âm hơn chục triệu đồng. Công ty khó khăn, thưởng Tết không có, anh Huy xoay sở người quen mượn tạm một khoản tiền nhỏ về quê ngày cuối năm.

Tết buồn không lương thưởng của môi giới bất động sản
Nghề môi giới bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2018. Ảnh: K.H

So với thời còn làm chân giao dịch viên ngân hàng thu nhập ít nhưng ổn định, anh Huy thừa nhận, làm môi giới bất động sản nhiều áp lực hơn, căng thẳng và thách thức lớn hơn và nếu gặp thời có thể kiếm được thu nhập gấp đôi nhân viên văn phòng, thậm chí cao hơn. Việc nguồn cung bất ngờ sụt giảm và tâm lý thị trường thận trọng hơn, được anh lý giải rằng đôi khi thành bại không nằm trong kiểm soát của bản thân người môi giới nữa. "Nghề nào cũng có lúc khó khăn, tôi cố gắng chống đỡ năm 2018, hy vọng năm Kỷ Hợi tình hình sẽ khá hơn", anh Huy tâm sự.

Tình cảnh của anh Huy không phải là hiếm tại thị trường bất động sản TP HCM. Anh Nam, từng là một công chức rẽ sang ngành địa ốc, làm môi giới được 3 năm. Các năm 2016-2017, thu nhập của anh đạt trung bình trên dưới 20 triệu mỗi tháng, nhờ thời điểm này thị trường có sản phẩm dồi dào (năm sau cao hơn năm trước), thanh khoản tốt, nhà đầu tư chuộng đổ tiền vào bất động sản.

Thế nhưng năm 2018 lại là năm thành tích bết bát nhất của anh Nam từ khi vào nghề. Trong năm qua, anh tập trung chạy quảng cáo và nhận book của gần 100 khách hàng đóng tiền giữ chỗ mua một dự án căn hộ quy mô lớn trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân. Với số lượng khách giữ chỗ gần 100 người, chỉ cần xác suất giao dịch thành công chiếm 30%, anh Nam có thể chốt được 30 giao dịch và có tiền ăn Tết thoải mái.

Nhưng rồi dự án này bất ngờ lùi ngày mở bán, chủ đầu tư trả tiền lại cho khách hàng, số lượng đặt chỗ lên đến cả trăm khách của anh Nam xem như công cốc, vì không chốt được hợp đồng nào. Lương thưởng của môi giới dựa trên doanh số mang về. Vì không bán được hàng, anh Nam chỉ nhận khoản tiền lương cơ bản vài triệu cuối năm, lo một cái Tết gói ghém vẫn thiếu trước hụt sau.

Theo tiết lộ của một quản lý sàn địa ốc quy mô vừa và nhỏ tại phía Tây TP HCM, mặt bằng chung mức thưởng Tết và thu nhập của môi giới bất động sản các sàn quy mô 10-15 người trở xuống, trong năm 2018 đang sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do có nhiều dự án quy mô hàng nghìn thậm chí vài chục nghìn căn nhà đang lùi thời hạn mở bán, khiến sale không chốt được giao dịch thành công. Tất cả án binh bất động chờ đợi tình hình khởi sắc hơn trong năm Kỷ Hợi.

Tại buổi gặp gỡ nhà môi giới cuối năm do Hội cà phê Bất động sản tổ chức, CEO Công ty Đại Thắng, Đoàn Thiên Việt cho biết, năm 2018 là một năm khó khăn của môi giới bất động sản vì thị trường đang đứng trước nhiều thay đổi. Thanh khoản kém hơn các năm trước, hàng hóa cũng không còn dồi dào nữa. Môi giới nếu không theo kịp sự thay đổi này, tiếp cận nhiều loại bất động sản khác nhau để bán hàng, sớm muộn sẽ bị đào thải. Thu nhập và thưởng Tết của môi giới năm 2018 sụt giảm so với các năm trước là điều khó tránh khỏi.

Theo ông Việt, nghề môi giới đang gặp phải nhiều thách thức lớn. Thách thức thứ nhất là nguồn cung dần ít lại, thành phố cũng đang hạn chế cấp phép dự án mới, khiến môi giới nếu không tiếp cận được rổ hàng để bán sẽ không có doanh số. Thách thức thứ hai là quá trình hoàn thiện pháp lý các dự án bất động sản đang chậm lại, khiến tâm lý thị trường thận trọng hơn, môi giới khó tư vấn bán hàng hơn. Thách thức thứ ba là thị trường giảm nhiệt, kém sôi động hơn.

Ông Việt nhận xét, nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi của nghề môi giới địa ốc là thu nhập cao, thật ra, có nhiều vất vả, áp lực vô hình mà nhân viên sale nhà đất phải gánh vác. Để bán được hàng, người môi giới phải lao động chuyên nghiệp, học tập không ngừng để am tường pháp lý, các quy định liên quan đến bất động sản, cần mẫn tìm hiểu thị trường, hiểu rõ sản phẩm và nắm chắc địa bàn, giải đáp được các thắc mắc, yêu cầu của khách hàng... Nghề này thiếu sự ổn định khi thị trường bước vào chu kỳ khó khăn, vì phụ thuộc vào doanh số, lương cơ bản rất thấp.

Chuyên gia này cho rằng, nhìn toàn cảnh thị trường, nghề môi giới địa ốc sẽ có sự đào thải nhân sự cực kỳ mạnh mẽ trong thời gian tới. Những người trụ lại, nếu chỉ thuần túy bán hàng, thu nhập dù khá cao nhưng trừ đi hàng tá chi phí không tên cũng đầy áp lực. Năm 2018, ngoại trừ những cá nhân và đơn vị xuất sắc, chuyên nghiệp sẽ duy trì mức thưởng Tết chất lượng, mặt bằng chung môi giới địa ốc sẽ khó có thể kỳ vọng mức thưởng Tết cao như các năm 2014-2017.

Theo Vũ Lê (VnExpress.net)