Chị Ngọc, làm việc tại một công ty tại phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết những ngày này, ra đường, chị sợ nhất là bắt taxi vì không ít tài xế có xu hướng "bắt chẹt" khách.
Khách đi taxi bị hét giá gấp 5-7 lần
Chị Ngọc kể lại cách đây gần một tuần, hẹn bạn đi ăn trưa từ Hoàng Cầu đến hồ Giảng Võ, chị phải chật vật lắm mới bắt được một chiếc taxi. "Không kịp nhìn tên hãng, lên xe thấy xe vừa cũ vừa bẩn, tài xế nói luôn '150.000 đồng, có đi thì đi' nên tôi phải xuống bắt xe khác", chị nói. Sau đó, chị và bạn đón được một chiếc taxi khác. Đi hơn 2 km, giá cước chỉ là hơn 20.000 đồng.
Anh Nguyễn Hồng Sơn, một khách hàng khác thì cho hay sáng sớm ngày 25 Tết, anh đi từ Sơn Tây đến bến xe Mỹ Đình, sau đó có di chuyển đến đường Trần Cung (Bắc Từ Liêm). "Khoảng cách di chuyển khá ngắn, chưa đến 4 km nên nhiều tài xế tỏ ý không muốn nhận chuyến. Một số khác ép giá 150.000 đồng, cao gấp 5 lần ngày thường", anh Sơn nói.
Còn theo lời anh Lộc, một tài xế của Grab, dịp này, anh đều từ chối các cuốc xe đi tỉnh. Nếu nhận lời, hoặc là khách phải trả thêm tiền, hoặc là tự thoả thuận với tài xế, không đi dịch vụ Grab.
"Từ Hà Nội về Ninh Bình chưa đến 1 triệu đồng tiền cước thì tài xế đã bị chiết khấu hai mấy phần trăm, chưa kể còn chi phí quay đầu, vì vòng về từ Ninh Bình đến Hà Nội xác định không có khách", anh Lộc chia sẻ. Theo anh, với các khách như vậy, thông thường tài xế và khách sẽ thoả thuận. Tài xế tắt app để chạy như một cuốc thường, khách vẫn được đi với giá của đơn vị cung ứng phần mềm, dịch vụ.
Thậm chí, nhiều người từ chối thẳng những cuốc xe quá ngắn hoặc khách đi đến những cung đường tắc nghẽn.
Anh Nguyễn Bá Toản, một tài xế Grab, chia sẻ từ sáng sớm 25 Tết, anh đã từ chối 3 chuyến xe. Những chuyến xe này đều phải đi qua các phố đông đúc, có nguy cơ tắc đường cao như Phạm Văn Đồng, Phạm Ngọc Thạch,…
Không chỉ anh Toản, anh Đức Anh cũng không thể nhận chuyến khi các tuyến đường Láng, Nguyễn Khang ùn tắc, khó di chuyển. Giai đoạn này, lượng khách đặt chuyến rất lớn. Tuy nhiên anh phải chọn cách từ chối vì không thể đi qua các tuyến đường này. Trong khi đó, một số chuyến được đặt từ khu vực Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch,… anh buộc phải yêu cầu khách huỷ hoặc tự huỷ vì không thể di chuyển đón khách.
Shipper quát giá gấp 2-3, không nhận đơn ngoại thành
Những ngày này, dịch vụ vận chuyển (ship hàng) cũng luôn quá tải. Hiện tại, chủ shop tại Hà Nội muốn được ship hàng đều phải trả phí đắt gấp đôi ngày thường. Với những quãng đường ngắn dưới 3 km, phí ship đã lên tới 40.000-50.000 đồng/đơn. Thậm chí, nhiều shipper còn không nhận những đơn hàng ở vị trí quá xa dù được trả thêm tiền.
Anh Văn Tuấn (24 tuổi), một shipper tại Hà Nội, cho biết vài ngày gần đây phí ship lên cao, đơn hàng thấp nhất anh chạy cũng trên 40.000 đồng dù quãng đường di chuyển chỉ 1-2 km.
“Hôm nay chạy cũng toàn 40.000-50.000 đồng/đơn, trên app nhiều lắm mà không có ship chạy, những đơn xa trên dưới 10 km phí phải 100.000 đồng/đơn cũng chưa chắc có người chạy. Hôm qua, tôi chạy một đơn từ cuối Phố huế lên Phúc Tân cũng là 50.000 đồng rồi”, anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn cũng cho biết thêm vào những ngày giáp Tết, những shipper có shop “ruột” có thể kiếm được 1-1,5 triệu đồng mỗi ngày, còn nững shipper bắt đơn lẻ như anh cũng có thể kiếm được 600.000-700.000 đồng/ngày.
“Nếu chạy căng từ sáng đến tối chắc cũng được 1 triệu/ngày, dự kiến 10 ngày nghỉ Tết sắp tới bù trừ đi cũng phải kiếm được trên 5 triệu”, anh Tuấn cho biết.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Hiếu, sinh viên một trường đại học tại Cầu Giấy, cho biết giá ship tăng mạnh trong vài ngày qua do số lượng shipper đã giảm đáng kể trong khi số đơn hàng vẫn ngày một tăng lên. Tuy nhiên, Hiếu cho biết từ ngày 30 đến ngoài mùng 3 Tết sẽ không có đơn hàng vì các shop nghỉ Tết.
“Mấy ngày Tết, đa số các shop cũng không bán hàng, phải sau Tết, mọi người từ quê lên Hà Nội làm việc trở lại mới có nhiều người mua hàng”, Hiếu cho biết. Trong khi đó nhiều chủ shop hàng online cũng cho biết rất khó tìm được ship trong những ngày này, thậm chí, giá mỗi đơn hàng đã được đẩy lên gấp 1,5-2 lần nhưng vẫn không có người nhận.
“Từ sáng đến giờ mình tìm người ship từ Cầu Giấy đi Long Biên, trả 80.000 đồng mà chưa tìm được ai. Chiều mà vẫn chưa tìm được người ship thì mình phải tự đi ship cho khách, trong khi công việc bán hàng lại chỉ có một mình”, Nguyễn Linh, một chủ shop hàng quần áo online nói.
Chị Ánh, một chủ shop online khác ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cũng chia sẻ chiều 27 Tết, chị tìm mỏi mắt vẫn không được shipper nào đi với giá 50.000 đồng cho quãng đường khoảng 6 km. "Cuối cùng shipper đòi 70.000 đồng mới đi, mà còn chảnh đến mức không gọi điện hỏi nơi nhận hàng, chỉ nhắn vỏn vẹn số điện thoại, người bán phải gọi", chị kể.
Theo Thủy Tiên - Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)