Tập đoàn Than lại "kêu khóc" vì xuất khẩu giảm sút

21/10/2016 15:45:00

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu than chỉ đạt hơn 730.000 tấn, thu về 73,8 triệu USD, giảm 48% về lượng và hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng than đá xuất khẩu được liệt vào nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhanh, nhiều nhất trong 9 tháng qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu than chỉ đạt hơn 730.000 tấn, thu về 73,8 triệu USD, giảm 48% về lượng và hơn 51% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng than đá xuất khẩu được liệt vào nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm nhanh, nhiều nhất trong 9 tháng qua.

Việc giảm xuất khẩu than không chỉ tác động đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng triệu lao động ngành than. Theo thông báo mới nhất về tình hình sản xuất kinh doanh nửa đầu năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, tính đến ngày 20/10 lượng than tồn kho đã gần 10 triệu tấn.

Xuất khẩu than giảm nhanh, nhiều trong khi lượng tồn kho của ngành này đang lớn nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu than giảm nhanh, nhiều trong khi lượng tồn kho của ngành này đang lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV cho biết, năm nay, ngành than vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức, tình hình ngành khoáng sản vẫn đang trầm lắng, sức tiêu thụ tăng thấp.

Hiện nguồn than tiêu thụ trong nước của TKV chủ yếu phục vụ cho ngành điện. Tuy nhiên, với bối cảnh tiêu thụ khó khăn, xuất khẩu giảm sút chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn.

Điều đáng chú ý dù chủ trương ưu tiên sử dụng than trong nước để phát điện, song gần đây, một số DN có vốn đầu tư 100% nước ngoài đồng loạt đòi đứng ra nhập than trực tiếp nước ngoài về sử dụng.

Như Dân Trí đã đưa tin, ngày 10/10/2016 Công ty Hữu hạn Vedan Việt Nam (Đồng Nai) đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Công Thương và Tổng cục Hải quan cho nhập khẩu than trực tiếp về phát điện thay vì qua các doanh nghiệp (DN) được chỉ định theo quy định của Chính phủ từ năm 2014. Trước đó Công ty Formosa cũng gửi kiến nghị tương tự đến Tổng cục Hải quan đề nghị cho tự nhập khẩu than về sử dụng cho nhà máy nhiệt điện tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3 tại Đồng Nai. Lý do được cả Formosa và Vedan đưa ra là than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ nhà máy phát điện.

Bối cảnh sản xuất, xuất khẩu chậm, than tiêu thụ trong nước khó khăn, mới đây Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết sẽ cắt giảm hơn 4.000 lao động trong ngành vì doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm...

Trái với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu bết bát hiện nay, hoạt động nhập khẩu than từ đầu năm của ngành than rất phát triển. Theo báo cáo của Tổng cục Hải Quan, 9 tháng qua cả nước đã nhập 10,5 triệu tấn than, trị giá khoảng 654 triệu USD. Ngành than được xếp vào 1 trong 2 ngành có lượng và giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất 9 tháng qua, khoảng 147% về lượng và 82% về giá.

Đáng chú ý dù Trung Quốc là nước cung cấp than ít nhất cho Việt Nam (đứng thứ 4 trong số 4 nước cung cấp than cho Việt Nam sau Úc, Nga và Indonesia), tuy nhiên, giá than của Trung Quốc trung bình cao hơn nhiều so với các nước trên.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 1,4 triệu tấn than Trung Quốc, trị giá 119 triệu USD (tính bình quân là khoảng 85 USD/tấn). Trong đó, riêng tháng 9/2016, nhập khoảng 77.800 tấn, trị giá 9 triệu USD (tương ứng giá 115 USD/tấn).

Trong khi đó, Úc là nước cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam thời gian qua với 3,2 triệu tấn, tổng giá trị tương đương 203 triệu USD (bình quân khoảng 63,4 USD/tấn), thấp hơn 20 USD/tấn so với giá than của Trung Quốc. Trong khi đó, tháng 9/2016, than nhập từ Úc về Việt Nam vào khoảng 188.000 tấn, giá bình quân đạt 10 triệu USD, tương đương khoảng 53 USD/tấn, thấp hơn một nửa so với giá than nhập tháng 9/2016 của Trung Quốc.

Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)