Tập đoàn Than - Khoáng sản: Sai phạm gần 15.000 tỉ đồng

02/01/2018 10:16:11

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số doanh nghiệp trực thuộc, kiến nghị xử lý gần 15.000 tỉ đồng sai phạm.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên thời kỳ năm 2010 đến ngày 30-6-2015.

Đầu tư ngoài: Lỗ, mất vốn

Liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính, kết luận thanh tra của TTCP cho biết đến cuối năm 2014, tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của công ty mẹ - TKV khoảng 13.600 tỉ đồng. Hội đồng thành viên và tổng giám đốc TKV chủ trương quản lý đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền.

Hậu quả là một số khoản đầu tư thua lỗ, mất vốn với giá trị lớn. Điển hình như Công ty Liên doanh Công nghiệp Kẽm Việt Thái lỗ gần 300 tỉ đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV KLM Thái Nguyên gần 25 tỉ đồng. Còn TKV góp 870 tỉ đồng tại mỏ sắt Thạch Khê thiếu khảo sát, tính toán kỹ và các điều kiện cần thiết dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, lãng phí. Khoản đầu tư của TKV vào Công ty CP Crommit Cổ Định Thanh Hóa (VTCC) cũng thua lỗ. Đơn vị này đã góp vốn, giải ngân xấp xỉ 437 tỉ đồng để đầu tư 2 dự án nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2014 dẫn đến toàn bộ vốn đầu tư không hiệu quả, lỗ lũy kế từ 2012-2015 vào khoảng 113 tỉ đồng.

Tập đoàn Than - Khoáng sản: Sai phạm gần 15.000 tỉ đồng
Khai thác than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Nguồn: VINACOMIN)

Qua thanh tra, TTCP còn phát hiện tại các dự án ở Lào, Campuchia, do KTV không làm kỹ khâu khảo sát để lập, thẩm định, phê duyệt phương án đầu tư và quyết định đầu tư không phù hợp dẫn đến việc lỗ, mất vốn 380 tỉ đồng. Trong đó, điển hình là việc TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co. Ltd (Campuchia) gần 4,4 triệu USD (gần 78 tỉ đồng), đến thời điểm thanh tra có nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là vào năm 2007, ông Doãn Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc TKV, đã ký bản ghi nhớ mua cổ phần của công ty này và chuyển tiền vào tài khoản của một cá nhân mang quốc tịch Campuchia khi chưa xác định hiệu quả đầu tư. Kết quả khảo sát ban đầu của dự án do ông Quang dẫn đầu báo cáo mỏ của công ty này có khoáng sản nhưng khi TKV khảo sát lại thì không có dấu hiệu quặng như báo cáo ban đầu.

Việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của TKV cũng để xảy ra thất thoát hàng trăm tỉ đồng. Chẳng hạn, Công ty CP Vận tải thủy liên tục thua lỗ nhưng HĐQT TKV vẫn quyết định cho công ty đầu tư 2 tàu, đồng thời sử dụng quỹ đầu tư phát triển để cho đơn vị này vay 356 tỉ đồng trả nợ sai mục đích, không lãi suất, không đúng thẩm quyền. Đến giữa năm 2015, tổng tài sản của Công ty CP Vận tải thủy là 119 tỉ đồng nhưng tổng nợ phải trả lên tới 79,4 tỉ đồng, lỗ lũy kế khoảng 65 tỉ đồng, mất hết vốn và nợ vay khác 60 tỉ đồng (trong đó nợ TKV 49 tỉ đồng) không còn khả năng thanh toán.

Khoản đầu tư tại Công ty Đóng tàu Sông Ninh, Công ty Đầu tư phát triển Khu Kinh tế Hải Hà cũng bị mất vốn, đồng thời không có khả năng thu hồi khoản nợ gần 53 tỉ đồng.

Đề nghị điều tra, xử lý trách nhiệm

Đối với việc quản lý tài sản, khai thác tài nguyên, hoạt động kinh doanh, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ những vi phạm.

Theo đó, từ năm 2010 đến giữa năm 2015, TKV đã và đang thực hiện đầu tư 1.100 dự án mua sắm máy móc, thiết bị nhưng có 92 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm gần 2.000 tỉ đồng. Kết luận thanh tra xác định tổng giám đốc TKV đã ban hành nhiều văn bản cho phép các đơn vị tự ý mua máy móc qua đơn vị trung gian thương mại, không qua đấu giá.

Việc giám định mua bán than của TKV cũng mắc nhiều sai phạm. Công tác này tại một số đơn vị được Công ty CP Giám định (Quacontrol) xác nhận kết quả giám định khối lượng nhưng không trực tiếp tham gia kiểm tra để xác định giá bán; từ đó kết quả xác định, điều chỉnh giá mua bán thiếu chính xác, chất lượng và số sản phẩm than thu hồi được sau tuyển chọn có sự chênh lệch lớn so với trước đó. Ví dụ tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, từ năm 2010 đến tháng 6-2015 đã thu hồi được số lượng than cục sau sàng tuyển cao hơn nhiều so với sản lượng trên cơ sở xác nhận của Quacontrol để thanh toán cho các đơn vị khai thác mỏ là 1,64 triệu tấn. Chênh lệch giữa than thu hồi và phế phẩm thải loại trước, sau sàng tuyển có tổng trị giá 1.833 tỉ đồng.

Với hàng loạt sai phạm như trên, cơ quan thanh tra đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của TTCP, xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại TKV và một số doanh nghiệp trực thuộc.

"Hội đồng quản trị, tổng giám đốc TKV và Tổng Công ty TKV (trước năm 2005) đã quyết định chủ trương và quản lý đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý, thiếu thực tiễn, vi phạm quy định, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vượt thẩm quyền dẫn đến thua lỗ, mất vốn..." - TTCP nhấn mạnh.

Về khắc phục hậu quả, TTCP kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền gần 15.000 tỉ đồng và 6,7 triệu m2 nhà đất. Trong đó, TKV chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền 4.564 tỉ đồng.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm Bộ Công Thương và UBND 4 tỉnh

Bên cạnh xử lý trách nhiệm lãnh đạo TKV và doanh nghiệp trực thuộc, TTCP đề nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo và thực hiện xử lý trách nhiệm đối với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Trên cơ sở kiến nghị của TTCP, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng có những ý kiến về các kết luận thanh tra.

Theo Minh Chiến (Nld.com.vn)