Theo đó, danh mục dự án FDI dự kiến thu hút vào các khu công nghiệp năm 2023 gồm 18 dự án. Trong đó, 16 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, tăng trên 10% chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh (GRDP) đã đề ra.
Tại thị xã Quảng Yên gồm: Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong thu hút 4 dự án; Khu công nghiệp Sông Khoai thu hút 6 dự án; Khu công nghiệp Đông Mai thu hút 3 dự án, tất cả đều là các dự án mới.
Tại TP Móng Cái, Khu Công nghiệp Hải Yên dự kiến thu hút 1 dự án mới và tại huyện Hải Hà, Khu công nghiệp Texhong dự kiến thu hút 2 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án.
Hiện tại, các dự án dự kiến thu hút đầu tư tại Khu công nghiệp: Bắc Tiền Phong, Đông Mai, Hải Yên cơ bản đủ điều kiện thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các dự án còn lại gặp một số khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Ngay từ đầu năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức khởi công dự án đầu tiên tại Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong. Dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong có tổng diện tích quy hoạch 7,4ha, tổng mức đầu tư 20,5 triệu USD.
Mục tiêu dự án là xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho xây sẵn chất lượng cao để phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong. Qua đó góp phần tạo thêm lợi thế của Khu Công nghiệp này trong việc thu hút đầu tư.
Không chỉ khởi công mới dự án, những ngày đầu, tháng đầu năm mới, Quảng Ninh còn tiếp đón nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, Tập đoàn Amata (Thái Lan) và Tập đoàn Yaskawa Electric (Nhật Bản) đến trao đổi nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy móc tự động tại Khu Công nghiệp Sông Khoai (TX Quảng Yên).
Tập đoàn Yaskawa Electric có gần 100 năm kinh nghiệm trong sản xuất động cơ và các thiết bị truyền động điện, robot công nghiệp trên thế giới.
Trong kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Yaskawa Electric đang dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 12ha tại Khu Công nghiệp Sông Khoai với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD. Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với Tập đoàn Amata để triển khai các thủ tục đăng ký đầu tư và dự kiến sẽ xây dựng nhà máy vào tháng 6/2023.
Mới đây nhất, Quảng Ninh tiếp 2 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đang nghiên cứu đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Sông Khoai.
Trong đó, Tập đoàn Tenma có kế hoạch đầu tư xây dựng Nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18ha, tổng vốn 150 triệu USD; Công ty Castem có kế hoạch đầu tư Nhà máy đúc kim loại trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 14 triệu USD. Đây là 2 doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất công nghiệp tại Nhật Bản và thế giới.
Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, Quảng Ninh là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn với nền hành chính hiện đại, quản trị địa phương theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả. Quảng Ninh cũng có nhiều chính sách ưu tiên, cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.
Theo ông Huy, trên tinh thần hợp tác toàn diện, Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh.
Theo Hoàng Dương (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/tap-doan-lon-nhat-ban-thai-lan-sap-rot-12-ty-usd-vao-quang-ninh-post1507218.tpo