Tập đoàn gia đình châu Á chật vật tránh cảnh lụi tàn ở đời 3

11/01/2017 13:53:00

Theo Nikkei, nếu không thống nhất được quyền sở hữu và đa dạng hóa kinh doanh thì phần lớn các tập đoàn gia đình khổng lồ của châu Á đều tàn lụi ở đời thứ 3.

Theo Nikkei, nếu không thống nhất được quyền sở hữu và đa dạng hóa kinh doanh thì phần lớn các tập đoàn gia đình khổng lồ của châu Á đều tàn lụi ở đời thứ 3.

Từ việc chia rẽ nội bộ anh em trong tập đoàn Samsung Electronics tới mâu thuẫn trong gia đình chủ tịch hãng hàng không Đài Loan Eva Airways là ví dụ về những gia đình điều hành những tập đoàn lớn bế tắc trong mâu thuẫn nội bộ liên quan đến tài sản và quyền sở hữu.

Trường hợp cá biệt là ông trùm đồ uống có cồn Ấn Độ Ponty Chadha đã bắn chết em trai vì mâu thuẫn trong kinh doanh.

Thống nhất quyền sở hữu, đa dạng hóa kinh doanh

Trong khu vực châu Á, nơi nổi tiếng với mô hình tập đoàn gia đình, vẫn có những trường hợp tập đoàn dạng này phát triển thành công và tránh được mâu thuẫn trong nội bộ.

Tap doan gia dinh chau A chat vat tranh canh lui tan o doi 3 hinh anh 1
Tos Chirathivat, Chủ tịch tập đoàn gia đình khổng lồ Central Group. Ảnh: Forbes.

Với tập đoàn gia đình Central Group, 2016 có thể coi là một năm thành công mỹ mãn. Gã khổng lồ bán lẻ của Thái, chủ của công ty bất động sản Central Pattana và TTTM Central World ở vị trí trung tâm Bangkok, lần đầu tiên trong 70 năm vận hành  đã "thay máu" đội ngũ quản lý gồm chủ yếu là người ngoài gia đình.

Đội ngũ điều hành mới có xuất thân đa dạng từ cựu thống đốc ngân hàng trung ương Thái Lan tới đối tác cũ ở châu Âu của tập đoàn.

Chủ tịch đời thứ 3 của Central Group, Tos Chirathivat lý giải rằng đây là động thái để tăng cường khả năng quản trị của tập đoàn nhằm "chuẩn bị cho những thay đổi" khi mà nền kinh tế Thái Lan đang chững lại, bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nợ hộ gia đình cao và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Trong thời kỳ ông Chirathivat nắm quyền, tập đoàn hùng mạnh này cũng đa dạng hóa việc kinh doanh ở nước ngoài thông qua thâu tóm các cửa hàng phân phối bán lẻ lớn ở châu Âu và mở chi nhánh ở nhiều nước Đông Nam Á khác. Đầu năm 2016, Central Group đã mạnh tay mua lại chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam với giá 1 tỷ Euro, nhắm tới thị trường đang tăng trưởng mạnh tại quốc gia láng giềng.

"Để phát triển bền vững, đa dạng hóa là một điều nên làm", Nikkei trích lời Roger King, giáo sư tài chính, người sáng lập trung tâm Tanoto thuộc Đại học Hong Kong, chuyên nghiên cứu về các doanh nghiệp gia đình. "Thường thì khi thế hệ quản lý tiếp theo của các tập đoàn gia đình đưa ra các ý tưởng mới, tập đoàn sẽ tiếp tục phát triển theo một hướng mới mẻ", Roger King nói.

Theo giáo sư King, đa dạng hóa và giảm thiểu sở hữu là hai yếu tố mà mọi tập đoàn gia đình lớn từng tồn tại và phát triển qua nhiều hơn ba thế hệ đều phải có. Cơ cấu cổ phần thường trở nên phức tập khi gia đình ngày càng mở rộng sau nhiều thế hệ.

"Cắt tỉa" cây gia đình để đơn giản hóa sở hữu trở thành yếu tố then chốt cho sự phát triển hài hòa. Anh em nhà Fung của công ty Hồng Kông Li & Fung những năm cuối thập niên 90 đã phải mời 30 thành viên gia đình tới để đấu giá quyền sở hữu độc lập.

Tránh tranh chấp quyền thừa kế

Ở châu Á, người ta thường tránh đề cập tới khả năng người cao tuổi sẽ mất trong tương lai gần nhưng người giàu nhất Hong Kong, ông Li Ka-shing, nay đã 88 tuổi, lại được cho là đã chuẩn bị sẵn di chúc.

Ông chủ của tập đoàn CK Hutchison và người phát triển tập đoàn bất động sản Cheung Kong đã tuyên bố năm 2012 rằng con trai cả của mình, Victor, sẽ là người kế vị ông. Người con thứ có đam mê kinh doanh của ông, Richard, sẽ được cấp vốn để đầu tư vào nhà mạng viễn thông Hồng Kông PCCW để tránh trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của anh mình.

Tap doan gia dinh chau A chat vat tranh canh lui tan o doi 3 hinh anh 2
Samsung Electronics, tập đoàn gia đình khổng lồ của Hàn Quốc từng bị nghi sẽ tách làm hai hồi tháng 11/2016 do mâu thuẫn nội bộ gia đình sở hữu. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên anh em trong các tập đoàn gia đình không phải lúc nào cũng tránh được mâu thuẫn như vậy.

Anh em nhà Kwok của tập đoàn bất động sản Sun Hung Kai, một trong những tập đoàn lớn nhất châu Á đã bị cuốn vào mâu thuẫn dẫn tới việc lật đổ chức vị chủ tịch của người anh và buộc mẹ của hai người phải vào can ngăn.

Kevin Au, giám đốc trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp gia đình của Đại học Hong Kong cho rằng chính việc phân chia tài sản và quyền sở hữu một cách bất hợp lý cũng như không có các giải pháp tháo gỡ như mua lại cổ phần đã khiến xung đột giữa các thành viên trong gia đình sở hữu trở nên khó giải quyết.

"Nếu không có sự đồng thuận của các thành viên gia đình điều hành, di chúc sẽ trở thành công cụ để người đã khuất kiểm soát người còn sống", Kevin Au nhận định.

Một vài gia đình lại chọn cách làm chủ sở hữu hơn là làm người trực tiếp quản trị doanh nghiệp để tránh tranh chấp quyền lực.

City Developments, một công ty con của tập đoàn gia đình Singapore Hong Leong đã thuê Grant Kelley làm trưởng nhóm điều hành để đổi mới doanh nghiệp đã 53 tuổi này. Kelley là một chuyên gia lão luyện trong ngành và nhanh chóng đẩy mạnh quá trình đa dạng hóa kinh doanh của tập đoàn Hong Leong sang các nước trong thời điểm thị trường Singapore tụt dốc.

Các tập đoàn Hong Leong tại Singapore và Malaysia có chung một nguồn gốc. Trong khi nhánh tại Singapore vẫn sẽ tiếp tục thuộc quyền quản lý của gia đình Kwek, các nhà quan sát nhận định nhánh Malaysia sẽ được bổ sung các nhân tố tài năng ngoài gia đình vào bộ máy điều hành.

Nếu không có phương pháp quản lý tốt, "các tập đoàn gia đình sẽ mạo hiểm bỏ qua những người giỏi, có thể vận hành doanh nghiệp. Một doanh nghiệp gia đình sẽ không thể phát triển nếu thế hệ sau chưa đủ khả năng để tiếp quản việc kinh doanh", theo Phillip Marcovici, một chuyên gia về doanh nghiệp gia đình, tác giả cuốn sách Nguồn lực hủy diệt của tài sản gia đình cho hay.

Đây đang là vấn đề làm đau đầu các tập đoàn gia đình tại Trung Quốc khi chính sách một con khiến lựa chọn người thừa kế có khả năng kinh doanh là điều bất khả thi.

Theo Ngô Minh (Zing.vn)

Nổi bật