Những quả táo được nhập khẩu từ Mỹ căng mọng, chín đỏ được bày bán tại siêu thị Big C (Trần Duy Hưng) được giảm giá "sốc" chỉ còn 56.900 đồng/kg. Điều đáng nói, những quả táo này có “tuổi thọ” đã hơn 100 ngày và khách hàng chỉ “mua về để biếu chứ không ăn”... Những quả táo căng mọng, chín đỏ có “tuổi thọ” đã hơn 100 ngày
![]() |
Trên bao bì ghi ngày đóng gói là 17/12/2015 |
![]() |
Táo Mỹ được bán giá "bèo" tại siêu thị BigC |
Theo một số nhà quản lý và các nhà khoa học, hoa quả có thể bảo quản được lâu trong các điều kiện bảo quản khác nhau, như dùng chất bảo quản, hạ nhiệt độ, hút chân không...
Riêng về loại táo, theo phân tích của nhiều chuyên gia nông nghiệp, chưa có tài liệu nào cho thấy táo để trong điều kiện bình thường, nhất là ở điều kiện gió mùa nhiệt đới ẩm như Việt Nam lại có thể bảo quản nhiều tháng mà không bị hỏng.
Đối với việc dùng hóa chất để bảo quản hoa quả tươi lâu, từng trả lời báo chí, Tiến sĩ Trần Thị Mai, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ đã có cảnh báo về loại hóa chất độc hại thường được sử dụng nhiều trong bảo quản hoa quả là 2,4D. Đây là thuốc diệt cỏ rất độc hại, có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số nhà sản xuất vì lợi ích kinh doanh đã đưa vào trái cây với mục đích kích thích sinh trưởng và bảo quản được lâu hơn, giúp lớp bọc bên ngoài xanh mơn mởn. Chất bảo quản độc hại này có thể giúp trái cây tươi lâu, nhưng rất nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng. Còn những chất bảo quản an toàn được phép sử dụng thường không thể giúp trái cây nguyên vẹn trong nhiều tháng, cần nhiều biện pháp tổng hợp mới có thể làm được.
Trên thế giới, các nước phát triển đang ứng dụng công nghệ bảo quản là trong môi trường âm 60 độ C, hoa quả có thể để được một năm, nhưng chỉ áp dụng với các loại quả đặc biệt quý hiếm. Muốn bảo quản hoa quả, nhà sản xuất và người kinh doanh phải tiêu diệt hoàn toàn hoạt động sống của tế bào trong quả; tiêu diệt loại côn trùng ký sinh như sâu đục thân và diệt được các vi sinh vật có khả năng xâm nhập từ thành quả vào bên trong.
Một phương pháp bảo quản hoa quả nữa có thể được áp dụng đó là chiếu xạ đâm xuyên qua quả để tiêu diệt hết vi sinh vật có sự sống. Nhưng nếu chiếu ở nồng độ thấp thì chỉ có tác dụng ức chế, tức là khiến vi sinh vật phát triển chậm, giúp kéo dài thời gian bảo quản. Nếu chiếu ở nồng độ cao thì con người lại không thể ăn được vì quả đã bị nhiễm xạ. Vì vậy phương pháp này cũng ít người sử dụng.
Từng trả lời báo chí về việc táo, lê để được lâu mà không hỏng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, quả lê và quả táo hoàn toàn có thể giữ được lâu nếu được sản xuất trong điều kiện không bị nhiễm vi sinh vật, sau khi thu hoạch được xử lý bằng chất bảo quản an toàn và lưu trữ ở trong các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Thời gian tồn tại của trái cây hoàn toàn có thể kéo dài từ 6 đến 10 tháng, thậm chí cả năm.
Nói về các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo quản trái cây cụ thể là gì? ông Hồng cho biết: Quả táo, lê hiện nay chúng ta nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, New Zealand, Mỹ,và Australia.Trên thế giới hiện có khoảng 7.500 giống táo và gần 6.000 giống lê. Các giống lê chín sớm thường bảo quản được 15-30 ngày. Những giống lê chín trung bình có thời gian bảo quản 3-5 tháng. Những giống lê chín muộn có thể để 6-10 tháng và thường được xuất khẩu.
Ngoài ra, thời gian bảo quản dài hay ngắn còn phụ thuộc điều kiện bảo quản. Nhiệt độ bảo quản tốt nhất với táo, lê là 1-5 độ C. Nồng độ CO2, độ ẩm cũng rất quan trọng. Thời điểm thu hoạch cũng vậy, muốn bảo quản trái cây lâu hơn, người ta thu hoạch khi quả còn ương.