Vietcombank dẫn đầu vốn điều lệ toàn ngành
Ngày 23/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tăng vốn điều lệ tối đa 27.666 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ luỹ kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.
Vietcombank chịu trách nhiệm về hồ sơ báo cáo, thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo đúng các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN. Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.
Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 49,5% cho cổ đông có tên trong danh sách tại thời điểm chốt quyền. Tổng giá trị phát hành dự kiến 27.666 tỷ đồng.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietcombank dự kiến sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên khoảng 83.557 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống.
Vốn điều lệ tăng thêm là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các dự án quan trọng Quốc gia; duy trì và phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế; đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn CAR theo quy định; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém; góp phần thực hiện Chiến lược của ngành ngân hàng đến năm 2030.
Ngoài ra, Vietcombank cũng tiết lộ kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho các nhà đầu tư tổ chức, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD. Phương án này dự kiến sẽ được triển khai trong nửa đầu năm 2025 nếu các điều kiện thị trường thuận lợi.
Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh
Vietcombank là ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu 74,8% vốn điều lệ. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu về quy mô về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, tỷ lệ nợ xấu cũng thấp nhất hệ thống.
10 năm trở lại đây, giai đoạn 2015 đến nay, Vietcombank trải qua 5 lần tăng vốn , với mức tăng 3.476 tỷ đồng (năm 2014 - 2015); 9.328 tỷ đồng (năm 2016 - 2018), 1.111 tỷ đồng (năm 2019 - 2021). Tiếp đó, năm 2022 tăng thêm 10.236 tỷ đồng và tăng 8.566 tỷ đồng năm 2023, đưa vốn điều lệ lên 55.891 tỷ đồng.
Trước khi được chấp thuận tăng vốn, tính đến đến đầu năm 2024, vốn điều lệ của Vietcombank xếp sau hai ngân hàng VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng).
Về kết quả kinh doanh, tổng dư nợ cấp tín dụng của Vietcombank đến cuối năm 2024 đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, tăng gần 14%; tổng tài sản lần đầu vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện cuối năm 2023.
Lợi nhuận hoàn thành kế hoạch đề ra, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,97%. Tổng số nộp ngân sách nhà nước năm 2024 đạt gần 12.000 tỷ đồng; tích lũy 5 năm, trên 48.000 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.
Lợi nhuận ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận mức kỷ lục mới và cao nhất ngành ngân hàng. Năm qua, Vietcombank đã nộp ngân sách nhà nước gần 11.600 tỷ đồng và đạt mức vốn hóa trên 21 tỷ USD .
Theo số liệu do Forbes công bố năm 2024, Vietcombank là doanh nghiệp Việt Nam có xếp hạng cao nhất trong nhóm 1.000 doanh nghiệp đại chúng lớn nhất toàn cầu, và là doanh nghiệp có thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2024, đạt 891 triệu USD.
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam đồng thời tuân thủ tự nguyện Nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), khác với các TCTD đã phát hành trước đó đều chỉ tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế.
2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào ngày 14/11/2024 là cột mốc quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng này về phát triền bền vững, ưu tiên tăng trưởng tín dụng xanh đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Theo H.Linh (Nhịp Sống Thị Trường)