Đang diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt về mức độ chính xác của số liệu thống kê kinh tế Trung Quốc. Liệu đây là con số thực hay ảo?
Theo một số chuyên gia, những phiên giảm điểm chóng mặt thời gian gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy người dân nước này không tin nền kinh tế tăng trưởng 7% - Ảnh: Reuters. |
GDP thấp vì... chống tham nhũng
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Bắc Kinh đề ra cho năm 2015 là 7%, và con số tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Trung Quốc bằng đúng mục tiêu này.
Nhưng tuần trước, tạp chí Forbes đăng một bài viết của nhà quản lý quỹ đầu cơ Jay Somaney cho rằng con số tăng trưởng thực tế của Trung Quốc chắc chắn thấp hơn nhiều so với những gì được công bố.
Ông Somaney dẫn một loạt bằng chứng cho nhận định này, bao gồm sự sụt giảm chóng mặt của thị trường chứng khoán Trung Quốc, mức giảm 8,3% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7, tình trạng thừa cung trên thị trường bất động sản Trung Quốc, và động thái phá giá đồng Nhân dân tệ bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).
Ông Ivan Glasenberg, giám đốc điều hành công ty khai mỏ và giao dịch hàng hóa Glencore, thì cho rằng chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Trung Quốc đã làm ngừng trệ các dự án cơ sở hạ tầng, đẩy tăng trưởng GDP xuống dưới mức 7%.
Các đây ít hôm, 11 chuyên gia kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát nhận định rằng kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 6,3%.
Ông Gordon Chang, một học giả Trung Quốc nổi tiếng, thậm chí đã bày tỏ sự hoài nghi lớn hơn trong suốt nhiều tháng qua đối với các thống kê kinh tế của Trung Quốc. Ông cho biết đã trò chuyện với “một cá nhân rất gần gũi với những nhân vật có ảnh hưởng ở Bắc Kinh”.
“Ông ấy kể với tôi rằng họ nói nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng với tốc độ 2,2%, cách xa mức tăng 7% mà thống kê đưa ra về kinh tế quý quý 1 và quý 2”, ông Chang nói.
Học giả này đồng thời đưa ra một loạt dẫn chứng để chứng minh con số tăng trưởng 7% chỉ có thể là “ảo”: khối lượng hàng hóa vận tải đường sắt ở Trung Quốc trong hai quý đầu năm giảm 10,1%; kim ngạch thương mại giảm 6,9%; số nhà mới khởi công giảm 15,8%; và sản lượng điện chỉ tăng 1,3%.
“Khi nhìn vào những con số này, khó có thể tin nền kinh tế tăng 7%”, ông Chang lập luận. “Nhiều người cho rằng sản xuất công nghiệp không còn là trọng tâm của nền kinh tế Trung Quốc nữa mà thay vào đó là dịch vụ. Nhưng cứ cho là lĩnh vực dịch tăng 8,4% trong 6 tháng đầu năm như công bố, thì liệu có chuyện GDP tăng 7% nếu như ngành sản xuất về cơ bản là tăng 0%?”.
Yukon Huang, chuyên gia cấp cao thuộc chương trình châu Á của Carnegie Endowment, không đồng tình với lập luận này. Theo ông, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc hiện nay là tiêu dùng và đầu tư. Vị chuyên gia ước tính tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 8%, còn đầu tư tăng khoảng 4-6%.
“Nếu một nửa nền kinh tế tăng 4-6% và một nửa còn lại tăng 8%, thì GDP tăng khoảng 6-7%. Một số người nói mức tăng là 3-4%, thì về mặt toán học, điều đó là không thể. Theo tôi, khả năng lớn hơn là nền kinh tế tăng 6%, thay vì 7%”, ông Huang nói.
Chứng khoán sập do dân không tin
Ở một góc nhìn khác, David Dollar, chuyên gia cấp cao thuộc viện Brookings nói: “Tôi không lo ngại nhiều lắm về mức tăng 6,5% hay 7,2%. Rõ ràng là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Nếu các bạn nghĩ là con số thống kê không đúng, thì bạn nên cảm thấy dễ chịu vì Trung Quốc đang hạ cánh cứng mà thế giới vẫn tương đối ổn”.
Với quan điểm bi quan, học giả Gordon Chang nhấn mạnh rằng những phiên giảm điểm chóng mặt thời gian gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy, người dân nước này không tin nền kinh tế tăng trưởng 7%.
Ông Chang nói, rất có thể đang có một bàn tay vô hình nào đó dẫn dắt con số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Thừa nhận rằng rất khó để hiểu những gì đang diễn ra trong Chính phủ Trung Quốc, nhưng Chang cho rằng đang tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các nhà lãnh đạo nước này, bao gồm cả Thủ tướng Lý Khắc Cường, dẫn tới việc số liệu GDP mang màu sắc chính trị.
Vị học giả nhấn mạnh thêm rằng động thái phá giá đồng Nhân dân tệ là một bằng chứng nữa về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và con số tăng trưởng GDP bị “làm đẹp”.