Chia sẻ chiều 24/5, ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, tốc độ tăng trưởng các quý còn lại năm 2018 sẽ khó lặp lại chu kỳ "quý sau cao hơn quý trước", thậm chí có thể giảm dần theo quý.
Quý I, tăng trưởng GDP đạt 7,38% nhờ nối đà tăng cao từ cuối 2017 và trên nền thấp (5,15%) cùng kỳ 2017. Do đó theo ông Phương, các quý còn lại 2018 sẽ chịu sức ép khi phải so sánh với một nền rất cao đã đạt được. "Phần tăng trưởng năm 2018 sẽ không bằng năm ngoái, nên kết quả sẽ chậm lại", Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân nhận xét.
Chưa kể, nếu muốn duy trì như mọi năm sẽ phải có yếu tố đột biến. Tuy nhiên, hiện giờ "chưa định hình được những yếu tố bứt phá rõ ràng" cho tăng trưởng năm nay. Các nhân tố đóng góp lớn vào kinh tế 2017, như Samsung hay Formosa đến giờ chưa rõ kế hoạch tăng trưởng. Sức bật của Samsung dự báo không bằng năm ngoái, Formosa cũng chưa khởi động được lò cao số 2 như dự kiến...
"Nếu nền kinh tế mỗi năm cộng thêm một doanh nghiệp lớn như Samsung, tốc độ tăng trưởng sẽ rất nhanh, nhưng để có đơn vị tương tự không dễ", ông nhận xét.
Điều nữa khiến lãnh đạo MPI lo ngại là sức ép lạm phát đang lớn dần. Năm 2017, nếu chỉ số CPI có xu hướng thấp dần về cuối năm thì 2018 ngược lại. Nguy cơ lạm phát hiện hữu do sức ép giá dầu thô thế giới diễn biến phức tạp với nhiều dự báo có thể vượt 70 USD một thùng. Cộng với tăng giá loạt dịch vụ y tế, giáo dục, tăng thêm 6,5% lương tối thiểu vùng từ 1/1/2018... sẽ tác động trực tiếp đẩy giá năm 2018 lên cao.
Uỷ ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra gửi Quốc hội cũng lưu ý về sức ép lạm phát 2018, do diễn biến phức tạp giá dầu thế giới và từ các chính sách điều chỉnh sắp có hiệu lực như tăng lương tối thiểu vùng, giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá thực phẩm... "Chính phủ cần cẩn trọng trước xu hướng này và có giải pháp căn cơ", cơ quan thẩm tra nêu.
Do đó, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây đang là kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án sắp hoàn thành, nhằm có thêm nguồn lực góp vào tăng trưởng.
Trước đó, báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc 21/5, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu. Tốc độ tăng GDP quý I là 7,38%. Con số này có được nhờ sự tăng trưởng của cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệ, xây dựng và dịch vụ. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước tăng trưởng vượt bậc, khoảng 4,05%, gấp 2 lần cùng kỳ 2017. Tương tự, công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%; dịch vụ 6,7%... Thẩm tra sau đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lưu ý, Chính phủ cần theo dõi chặt tình hình, điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ và thực phẩm vào thời điểm hợp lý; kết hợp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt... để đạt mục tiêu GDP 6,7% năm 2018.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)