“Nếu được ban hành, giá cả sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng do mức thuế GTGT áp dụng cho đường. Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra hệ lụy: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động”, ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA nói.
Giá nước giải khát có thể tăng 12% sau khu Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế GTGT, TTĐB |
Tăng thuế, giá nước giải khát tăng 12%?
Sáng 14.9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế”. Trong đó, có thuế giá trị gia tăng (VAT), và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Trước đề xuất, dự thảo của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh thuế GTGT (VAT) từ 10% lên 12% đối với nước giải khát. Tăng thuế TTĐB đối với doanh nghiệp sản xuất nước ngọt là 10% và đánh thêm thuế suất thuế VAT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.
PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế của Bộ Tài chính sẽ tạo tác động lớn tới các DN sản xuất nước giải khát Việt Nam.
Ông Việt nói: “Nếu luật được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất VAT áp dụng cho đường.
Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra hệ lụy: tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ, giảm doanh thu kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động… Đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng và tác động nhiều nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải trình của Bộ Tài chính vẫn chưa trả lời được câu hỏi dự luật sẽ tác động ra sao với nền kinh tế”.
Trong văn bản kiến nghị của mình, VBA nhấn mạnh, báo cáo giải trình của Bộ Tài chính về dự luật này chưa trả lời được câu hỏi dự Luật này sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế? Nhà nước được lợi và bị hại như thế nào nếu thông qua luật thuế này
Riêng việc nước ngọt là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường và béo phì cần phải được khoa học chứng minh. Ngoài ra, nếu áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt có giảm dược tỷ lệ người bị tiểu đường, béo phì?
Nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe của người dân thì cần áp thuế TTĐB với các loại thực phẩm gây ra loại bệnh đó bởi có nhiều loại thực phẩm có hàm lượng đường cao hơn sản phẩm nước ngọt… Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới cũng chưa áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt.
Thêm vào đó, giá bán nước giải khát tăng 12% rất dễ dẫn đến tình trạng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành. Nhà nước sẽ phải tăng chi phí để chống buôn lậu.
Cơ sở tăng thuế của Bộ Tài chính chưa thuyết phục?
Trao đổi với Dân Việt xung quanh việc điều chỉnh 5 Luật thuế, PGS. TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận xét, đưa trà, cà phê uống liền vào diện phải chịu thuế TTĐB như thuốc lá, rượu bia cần xem nghiên cứu. Trà được coi là sản phẩm thông dụng, được tiêu dùng hàng ngày.
PGS. TS. Ngô Trí Long đề xuất cần có cuộc điều tra cụ thể tại Việt Nam tác động của nước giải khát tới sức khỏe con người Việt Nam |
Ông Long nói: “Cà phê hòa tan là cà phê đóng gói sản phẩm có giá trị gia tăng cao của ngành hàng cà phê. Nếu buộc những sản phẩm này chịu thuế TTĐB sẽ triệt tiêu việc nâng cao chất lượng sản phẩm của DN. Bởi DN đầu tư công nghệ dây chuyền đóng gói, sản xuất các sản phẩm cà phê đều phải bỏ ra chi phí rất lớn.
Nếu đánh thuế TTĐB lên sản phẩm cà phê đóng gói thì sẽ không khuyến khích các DN không đầu tư vào chế biến sâu, không sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng. Khi thị phần sản phẩm giá trị gia tăng gặp khó thì chẳng khác nào làm thu hẹp đầu ra của nông dân trồng cà phê. Sản phẩm cà phê đóng gói sử dụng nguyên liệu cà phê được sản xuất trong nước, nó khác với ngành bia, rượu, chủ yếu dùng nguyên liệu nhập khẩu”.
Vế đánh thuế TTĐB nước ngọt, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng cần có cuộc điều tra cụ thể tại Việt Nam, bởi sự tác động của nó ảnh hưởng tới sức khỏe đối với loại nước ngọt có hàm lượng đường cụ thể là bao nhiêu và đặc biệt nước có ga. Theo ông Long, năm 2014, Nhà nước từng dự kiến tăng mức thuế, nhưng chưa thành công, nay muốn điều chỉnh tăng phải có khảo sát thực tế mới thuyết phục.
Xung quanh kết quả đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế đối với phát triển kinh tế và đời sống người dân tới nay vẫn chưa được Bộ Tài chính công bố.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: “Đến nay, vẫn chưa biết kết quả tăng thu ngân sách bao nhiêu, việc tăng thu có bền vững không hay cứ liên tục điều chỉnh. Thứ hai là tác động đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế ra sao, trong báo cáo tác động có đề cập không, ngành nào sẽ thua thiệt nhất. Thứ ba là điều chỉnh trong luật này có phù hợp với chiến lược phát triển các ngành không, việc khuyến khích phát triển ngành nọ, không phát triển ngành kia có được phản ánh trong điều chỉnh thuế hay không?”
Bà Phạm Chi Lan đề cho rằng cần có đánh giá tác động của việc tăng các sắc thuế trước khi tăng thuế |
Theo bà Phạm Chi Lan, Bộ Tài chính đưa ra những căn cứ để sửa đổi 5 luật thuế là chưa đủ thuyết phục. Thứ nhất là Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đề cấp tất cả các vấn đề về ngân sách chứ không chỉ nguồn thu. Bà Lan cho rằng bội chi ngân sách cao là chi tiêu không hiệu quả, không sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước nắm trong tay, chứ không phải do thu ít.
Bà Phạm Chi Lan đề xuất, cần một cơ quan độc lập thực hiện đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi 5 luật thuế để bảo đảm tính khách quan.
Theo Hoàng Thắng (Dân Việt)