Tăng thuế, ô tô cũ đắt hơn ô tô mới

02/09/2017 07:53:00

Ô tô cũ sẽ hết đường về Việt Nam nếu mức thuế mới được áp dụng vào thực tế.

Ô tô cũ sẽ hết đường về Việt Nam nếu mức thuế mới được áp dụng vào thực tế.

Đây là hai nội dung đáng chú ý được bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, đưa ra tại cuộc họp báo công bố dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 122/2016 liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối… tổ chức ngày 1-9.

Tăng thuế, ô tô cũ đắt hơn ô tô mới
 

Ô tô cũ có thể đắt hơn xe mới

Theo dự thảo của Bộ Tài chính vừa công bố, thuế nhập khẩu các dòng ô tô cũ sẽ tăng mạnh. Cụ thể điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu ô tô từ chín chỗ trở xuống, có dung tích xi lanh dưới 1 lít lên mức 10.000 USD/chiếc, tăng 5.000 USD/chiếc so với hiện nay.

Với xe có dung tích xi lanh từ 1 lít trở lên sẽ phải chịu mức thuế hỗn hợp. Trong đó, xe SUV, thể thao, chở người và khoang hành lý chung (trừ xe van) có dung tích xi lanh từ 1 lít đến dưới 2,5 lít có mức thuế hỗn hợp là: Giá tính thuế ô tô đã qua sử dụng nhân với 200% hoặc 150%, cộng với 10.000 USD. Các xe loại khác là: Giá tính thuế ô tô đã qua sử dụng nhân với thuế suất dòng ô tô mới cùng loại, cộng thêm 10.000 USD nữa.

Với xe 10-15 chỗ có dung tích xi lanh dưới 2,5 lít là giá tính thuế ô tô đã qua sử dụng nhân với thuế suất dòng ô tô mới cùng loại, cộng thêm 10.000 USD…

Giới kinh doanh ô tô nhập khẩu tính toán mức thuế mới này cao gấp hơn hai lần so với hiện nay. Điều này sẽ khiến giá ô tô cũ có thể đắt hơn xe mới và xe cũ nhập khẩu hết đường về Việt Nam. Bởi hiện nay lượng xe cũ nhập bị tồn kho nhiều, các doanh nghiệp (DN) đang phải bán tháo để thu hồi vốn, chấp nhận thua lỗ. Nay nếu thuế tiếp tục tăng sẽ khiến giá xe cũ nhập càng tăng thêm, khó lại chồng lên khó.

Tăng thuế, ô tô cũ đắt hơn ô tô mới  - ảnh 1

Thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng (ô tô cũ) dự kiến tăng cao, đẩy giá xe cũ lên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Giá ô tô cũ nhập khẩu sẽ tăng hơn cả trăm triệu đồng/chiếc khi thuế tăng lên” - ông Duy Minh, chủ đại lý kinh doanh ô tô ở TP.HCM, tính toán. Ông Minh lấy ví dụ một ô tô cũ có dung tích động cơ 1 lít nhập khẩu từ Hàn Quốc hiện nay có giá tính thuế là 5.000 USD, nếu theo mức thuế suất tuyệt đối hiện nay là 5.000 USD thì giá của xe là 10.000 USD. Nhưng với mức thuế suất tuyệt đối mới là 10.000 USD/chiếc, giá xe này sẽ tăng lên 15.000 USD.

“Nếu cộng thêm các loại thuế, phí khác nữa thì giá của xe này sẽ vượt qua mức 23.000 USD, tương đương hơn 600 triệu đồng. Trong khi đó dòng xe mới có dung tích động cơ 1 lít giá hiện nay trên thị trường chỉ 400-500 triệu đồng/chiếc. Như vậy ô tô cũ nhập khẩu đắt hơn cả mua xe mới cùng phân khúc” - ông Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách ô tô đã qua sử dụng của Toyota, cũng cho rằng ô tô cũ nhập khẩu hiện chủ yếu ở phân khúc xe cao cấp có dung tích động cơ lớn. Với việc đề xuất tăng thuế cao thì ô tô cũ nhập khẩu sẽ bị “bít cửa” hoàn toàn.

Bà Hiền dẫn chứng dòng xe Camry có dung tích động cơ 2,5 lít nhập từ Mỹ, giá tính thuế là 20.000 USD. Nếu tính theo công thức cũ, mức thuế sẽ là 20.000 USD × 70% + 5.000 USD = 19.000 USD. Nhưng theo mức thuế mới tăng, giá xe Camry sẽ bị đội lên rất cao: 20.000 USD x 70% x 150% + 10.000 USD = 31.000 USD.

Bà Hiền nói thêm: “Đấy là chưa kể ô tô cũ nhập khẩu còn phải chịu các loại thuế như ô tô mới nhập khẩu là thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, thuế VAT 10% và nhiều loại chi phí khác. Do vậy giá ô tô cũ này đến tay người mua có thể cao gấp ba lần hiện nay”.

Ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm giá

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cho hay Bộ đưa ra hai phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô trong năm năm từ năm 2018 tới 2022 cho hai nhóm: Ô tô chở người dưới chín chỗ và nhóm xe tải có tổng trọng lượng tải từ năm tấn trở xuống.

Về mức giảm thuế cụ thể, ngành tài chính đề xuất hai phương án. Một là giảm thuế nhập khẩu của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho hai nhóm xe trên về 0%. Phương án 2 là giảm thuế nhập khẩu của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho hai nhóm xe trên từ mức 3%-50% hiện tại về 0%.

“Việc giảm thuế linh kiện trên góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển; góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các ô tô nhập khẩu; tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao” - đại diện Bộ Tài chính lý giải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên giảm thuế nhập khẩu linh kiện thêm cho các dòng xe có dung tích xi lanh trên 2 lít chứ không chỉ các dòng xe dưới 2 lít như đề xuất của Bộ Tài chính.

“Các DN cho rằng các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2 lít là dòng chủ lực của các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan. Do vậy nếu Việt Nam cũng chỉ tập trung ưu đãi thuế cho các dòng xe này thì khó cạnh tranh. Phía DN cũng nêu quan điểm nếu khuyến khích thêm với dòng xe có dung tích xi lanh 2,5 lít, Việt Nam có thể xuất ngược lại xe vào các nước ASEAN” - bà Nguyễn Thị Thanh Hằng thông tin thêm.

Hàng loạt dòng thuế giảm về 0%

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2018-2025, phần lớn các hiệp định thương mại sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ xóa bỏ thuế quan, giảm thuế nhập khẩu về 0%. Đơn cử như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN sẽ có 98,26% số dòng thuế về 0% vào năm 2018; ASEAN-Trung Quốc sẽ có 90% số dòng thuế về 0% vào năm 2018.

Đặc biệt sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước ASEAN xuống 0% ngay từ ngày 1-1-2018.

Dự kiến nghị định thay thế Nghị định số 122 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Riêng nội dung sửa đổi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô có hiệu lực ngay từ ngày 1-10-2017.

Thống kê của ngành tài chính cho thấy hiện tại các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước nhập khẩu linh kiện, phụ tùng rời từ nhiều thị trường.

Theo Trà Phương - Trà My (Pháp Luật TP HCM)

Nổi bật