Căn cứ theo quy định hiện hành, giá xăng dầu hiện đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo đúng quy định. Đây là thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính đưa ra về điều hành giá xăng dầu.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 83/2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành với nguyên tắc cơ bản "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước".
Theo đó, cơ quan nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước; kết hợp với hướng dẫn trích, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá nhằm góp phần ổn định giá.
Căn cứ theo quy định hiện hành, giá xăng dầu hiện đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo đúng quy định; Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở mặt hàng nhiên liệu phổ biến để làm căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Ông Tuấn cho hay, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2018 là thời điểm thực hiện mục tiêu chuyển giao và thay thế nhiên liệu sinh học đối với nhiên liệu truyền thống (thay thế xăng A92 bằng E5). Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán và công bố giá cơ sở đối với xăng E5; đồng thời giám sát việc điều chỉnh giá xăng A95 của các doanh nghiệp đầu mối.
Qua hai kỳ điều hành đầu tiên của năm 2018, chênh lệch giữa giá xăng A95 và E5 dao động trong khoảng từ 1.710 đ/lít đến 1.850 đồng/lít. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng E5 đang được chi sử dụng Quỹ bình ổn ở mức 857 đ/lít (kể từ 4-1 đến nay); trong khi giá xăng A95 điều hành theo thị trường, không sử dụng Quỹ và điều chỉnh tăng giá theo giá thế giới.
Đồng thời, qua theo dõi giá xăng dầu nửa đầu tháng 1-2018 cho thấy, giá xăng A95 của một số nước trong khu vực có cao hơn giá xăng A95 của Việt Nam khoảng từ 3.000 - 5.000 đồng/lít, như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Philippines.
Như đã thông tin, trong kỳ điều hành ngày 19-1 vừa qua, liên bộ Tài chính-Công thương vẫn chưa công bố giá xăng A95 dù đây là mặt hàng được tiêu dùng khá phổ biến, nhất là từ khi khai tử xăng A92.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tự công bố tăng giá xăng A95. Ví dụ, tại các cửa hàng của Petrolimex, giá xăng A95 tăng khoảng 290 đồng/lít, lên mức cao nhất là 20.990 đồng/lít.
Trước đó, trong kỳ điều hành giá ngày 4-1, giá xăng A95 được các doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM điều chỉnh tăng 780-810 đồng/lít. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn giá xăng A95 đã tăng cả ngàn đồng/lít.
Lâu nay các doanh nghiệp đầu mối tự quyết định xăng A95 theo giá thị trường thế giới. Bộ Công Thương cho rằng mặt hàng này không có trong danh sách công bố giá cơ sở vì không phải là sản phẩm thông dụng nên giá do doanh nghiệp cân đối.
Trong khi đó nhiều ý kiến cho rằng cần đưa xăng A95 vào diện quản lý, tránh tình trạng doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu thì tăng trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn còn “độc quyền”, chưa có sự cạnh tranh thực sự.
Theo vị này, qua thống kê nhanh, hiện sản lượng tiêu thụ xăng E5 chiếm khoảng 60% trong tổng sản lượng xăng tiêu thụ, góp phần tạo môi trường xanh sạch và tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Hiện Liên Bộ vẫn tiếp tục theo dõi tình hình tiêu thụ, diễn biến cung cầu về xăng A95 theo các tiêu chuẩn khí thải, xăng E5 trên thị trường để công bố giá cơ sở phù hợp với tình hình kinh doanh mặt hàng xăng dầu trong nước.
Theo Trà Phương (Pháp Luật TP.HCM)