Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chính sách này được kỳ vọng là “cú huých” đối với ngành thủy sản nước ta. Nhưng sau quá trình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng đang dần lộ rõ.
“Chây ỳ” trả nợ
Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được coi là trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67. Đến nay, sau hơn bốn năm thực hiện, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu, trong đó có 622 tàu đóng mới, nâng cấp và cho 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 5.465 tỷ đồng. Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu của chương trình và gần 47% tổng dư nợ toàn ngành về cho vay đóng tàu theo Nghị định 67.
Tuy nhiên, việc cho vay theo Nghị định 67 đã phát sinh không ít vướng mắc, khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao. Theo số liệu từ Agribank, tính đến ngày 31-7, trên tổng số 622 khoản vay, có 34 khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng, 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ hơn 155 tỷ đồng. “Nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu cho thấy khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67”, Phó Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết. Và theo nắm bắt tình hình khách hàng tại các chi nhánh Agribank, thời gian tới các khoản nợ đã được cơ cấu và các khoản nợ đến hạn phân kỳ sẽ tiếp tục khó khăn.
Bên cạnh những vướng mắc về chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, hay đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường,... đại diện Agribank nhiều địa phương cũng đã phản ánh hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là chủ tàu có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, cố tình chây ỳ, không trả nợ, chờ ngân hàng xóa nợ... Theo chia sẻ của Giám đốc Agribank Quảng Bình Nguyễn Trần Quý, với quan niệm tiền của Nhà nước, của Chính phủ, làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng, ngân hàng nhận tàu, coi như chủ tàu không còn nợ, có nơi chủ tàu bị lôi kéo viết đơn kiến nghị Chính phủ khoanh nợ, giãn nợ, chỉ đồng ý trả số nợ hằng năm rất thấp. “Vì vậy, Quảng Bình có những con tàu tính ra phải 100 năm sau mới trả hết nợ. Hay có những trường hợp đi biển về lãi 400-500 triệu đồng nhưng không trả đồng nào, thậm chí gửi tiền sang ngân hàng khác”, ông Nguyễn Trần Quý cho biết thêm.
Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa Trần Văn Thành cũng chia sẻ thêm về một số khó khăn từ phía ngân hàng trong công tác thu hồi nợ như: Có chủ tàu chuyến nào cũng báo lỗ, mỗi chuyến khai lỗ 400-500 triệu đồng, tính ra mỗi năm lỗ hàng tỷ đồng mà thực tế tiềm lực của chủ tàu không được như thế, thậm chí báo lỗ nhưng tàu cứ về bờ vài ngày lại thấy ra khơi. Trong khi ngân hàng không có cơ chế kiểm soát lịch trình của tàu cá, do đó rất khó đánh giá hiệu quả khai thác để làm cơ sở thu hồi nợ.
Quyết liệt xử lý
Có thể nói, tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định 67 không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác. Theo Vụ trưởng Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) Nguyễn Quốc Hùng, NHNN đã báo cáo Chính phủ thực trạng này. “Lo ngại tới đây tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao, vì vậy, không chỉ riêng ngành ngân hàng mà sự vào cuộc kịp thời của các địa phương và các bên liên quan là rất cần thiết để một chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ được thực hiện hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Đồng quan điểm, Vụ trưởng Khai thác thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Chung cho rằng, thời gian tới, cần xử lý kiên quyết vấn đề này, thậm chí phải “làm điểm” trong công tác xử lý để ngăn chặn tình trạng lôi kéo làm sai lệch chính sách.
Agribank nêu kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 114/2014/TT-BTC theo hướng cho phép các khoản điều chỉnh kỳ hạn trả nợ được hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn giảm bớt khó khăn, tiếp tục thực hiện việc khai thác đánh bắt; đồng thời, bổ sung nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong đó hướng dẫn các trường hợp cụ thể. NHNN cần xem xét đề xuất với Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trong trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ...
Ngoài ra, các địa phương cũng cần tiếp tục tuyên truyền để các chủ tàu hiểu rõ chính sách ưu đãi của Nhà nước, thực hiện đúng cam kết với ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xử lý và thu hồi nợ đối với các trường hợp chủ tàu chây ỳ, không hợp tác trong việc trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì và đưa ra nhiều giải pháp để tránh sự trục lợi chính sách. Ngoài tuyên truyền, đối thoại với các chủ tàu về chủ trương, chính sách của Nhà nước để tránh việc cố tình hiểu sai, tỉnh cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng cùng ngân hàng phân loại hiệu quả của từng con tàu, đánh giá năng lực từng chủ tàu để đưa ra định hướng phát triển. Với những chủ tàu bị đánh giá yếu kém, tỉnh cũng có giải pháp kiên quyết, đồng ý cho chuyển đổi và cam kết cụ thể về hướng xử lý theo đúng các quy định của Luật Tín dụng.
Theo Thủy Anh (Thương Hiệu & Công Luận)