Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho biết, tại cuộc họp giữa Ủy ban Tài chính - Ngân sách với các bộ, ngành để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách mới đây việc tăng lương cơ sở là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra. Theo các đại biểu, 3 năm qua do ngân sách khó khăn nên nhà nước chưa điều chỉnh lương cơ sở, khiến đời sống của một bộ phận cán bộ, viên chức gặp khó khăn. Do đó, các đại biểu thống nhất việc điều chỉnh tiền lương là cần thiết và cấp bách.
Ông Thụ cho biết, nếu được QH thông qua, việc điều chỉnh mức lương cơ sở sẽ được thực hiện từ ngày 1/5/2016, với mức tăng là 5%. Như vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.150.000 đồng lên mức 1.210.000 đồng (tăng 60.000 đồng). Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, người có hệ số lương dưới 2.34 tiếp tục được tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. Chính phủ cũng giao cho các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi, việc lương cơ sở chỉ tăng 60 ngàn là thấp và chỉ cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn thì đây cũng là một sự cố gắng của Chính phủ khi đã cố gắng thu xếp được 11 nghìn tỷ đồng để phục vụ cho việc tăng lương.
Đối với vấn đề xe công, ông Thụ cho hay, các đại biểu cũng khẳng định, nếu vẫn giữ cung cách quản lý như hiện nay rất lãng phí. Các đại biểu đề nghị trong năm 2016 cần triệt để tiết kiệm mua sắm xe công và đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán để hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ QH đã thống nhất đưa vào Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 quy định: Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán xe công. QH giao cho Chính phủ rà soát lại cơ chế, phương thức, cách làm, đối tượng khoán xe công bảo đảm thực hiện hiệu quả và tiết kiệm. Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, thắt chặt tài khóa, hạn chế tổ chức các đoàn đi nghiên cứu khảo sát nước ngoài; tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo lễ hội, khánh tiết…
Kiểm soát chặt nợ công
Trong sáng 10/11, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Theo đó, mục tiêu tổng quát năm 2016 là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6,7%; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh…
Để đạt được mục tiêu trên, QH yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn và tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh. QH cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng chi đầu tư tăng nhanh hơn; xử lý cơ bản nợ đọng xây dựng cơ bản, không để phát sinh thêm nợ mới, kiên quyết xử lý và thu hồi nợ đọng thuế.
Đối với việc mua sắm tài sản, QH yêu cầu Chính phủ xây dựng khung pháp lý bảo đảm thực hiện việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung từ năm 2016, áp dụng đối với các tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, được sử dụng phổ biến ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, bảo đảm từng bước cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công. Ngoài ra, QH cũng yêu cầu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp tục bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển…
Theo Văn Kiên (Tiền Phong)