Tâm sự buồn của phi công trẻ: Hết thời lương tiền tỷ, đi ship đồ ăn qua ngày

18/01/2021 15:17:31

Từng là nghề “hot” nhất, song Covid-19 đã biến phi công trở thành nghề mất giá nhất thế giới chỉ sau 1 năm bùng phát. Cơn ác mộng của những người đeo đuổi giấc mơ bầu trời dự báo sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Từ đỉnh cao tới vực sâu

Bức ảnh làm shipper giao hàng để kiếm thêm thu nhập mà phi công người Nga, Roman Savin, chia sẻ mới đây đã gây bão mạng xã hội. Năm 2019, anh luôn trong tình trạng bận rộn với 90 - 100 giờ bay mỗi tháng, nhưng cả năm 2020, anh chỉ ngồi trong buồng lái vẻn vẹn 140 giờ. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, nam phi công trẻ buộc phải đi giao đồ ăn - một công việc mà anh chưa bao giờ nghĩ tới sau khi chi hàng trăm nghìn USD cho 3 năm đào tạo.  

Tâm sự buồn của phi công trẻ: Hết thời lương tiền tỷ, đi ship đồ ăn qua ngày
Những phi công trẻ mới vào nghề như Roman Savin nằm trong nhóm dễ bị cắt hợp đồng nhất khi các hãng bay gặp khủng hoảng

Câu chuyện của Roman Savin không hề cá biệt trong thời gian ngành hàng không thế giới gần như đóng cửa hoàn toàn vì đại dịch Covid-19. Thậm chí, có những giai đoạn như tháng 4/2020, lưu lượng hàng không toàn cầu đã chạm đáy, chỉ còn 8% so với thông thường, khi chỉ các hoạt động vận chuyển hàng hóa, hồi hương và các chuyến bay khẩn cấp được thực hiện.

Cuộc khủng hoảng lớn nhất và ít ai ngờ tới nhất trong lịch sử ngành hàng không đã đẩy hàng trăm nghìn phi công từ đỉnh cao xuống vực sâu. Từ chỗ là nhóm lao động có mức lương được thèm khát bậc nhất thế giới, luôn trong tình trạng được các hãng săn đón vì thiếu nguồn cung, họ rơi vào bước đường cùng vì dịch bệnh, trở thành một trong những đội quân thất nghiệp hùng hậu nhất thế giới.

Riêng tại châu Âu, con số này là khoảng 10.000 người; các hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines, Delta Airlines, American Airlines… cũng cắt giảm lần lượt 2.850, 2.000 và 1.600 phi công.

Ngay cả với những phi công không bị buộc “hạ cánh” thì mức lương cũng sụt giảm thê thảm. Phi công của Singapore Airlines - hãng hàng không tốt nhất thế giới nhiều năm liền - chỉ nhận 50% lương; phi công của Lufthansa - hãng bay lớn nhất tại Đức - chấp nhận cắt giảm 45% lương; thậm chí hãng hàng không quốc gia Ấn Độ, Air India, cắt giảm lương phi công tới 60%...

Hàng không Việt Nam tuy sớm phục hồi một phần nhờ duy trì được hoạt động bay nội địa nhưng cũng không thoát khỏi “cơn lốc thất nghiệp” do Covid-19 gây ra. Theo tính toán của Vietnam Airlines, hãng chiếm thị phần lớn nhất, cú sốc đại dịch khiến hãng dư thừa đến gần 60% phi công trong năm 2020. Tính cả năm, mỗi tháng “ông lớn” này thừa 530 phi công vì lượng chuyến bay giảm đột ngột. Ngay cả những phi công không bị cắt hợp đồng hay “nghỉ phép” không thời hạn, mức lương cũng giảm gần 50% so với năm 2019.

Tương lai bất định

Đến nay, việc đi lại bằng đường hàng không đã phục hồi phần nào, đặc biệt là ở những nước kiểm soát tốt dịch bệnh như Việt Nam, nhưng vẫn chỉ bằng một phần tư công suất so với năm 2019. Nhiều chuyên gia cho rằng sự hồi phục của ngành hàng không toàn cầu sẽ chậm và không đồng đều vì một loạt các lệnh phong tỏa, cấm biên và tính chất phức tạp của dịch bệnh sau khi xuất hiện những biến thể virus mới nguy hiểm hơn.  

Mặc dù một số hãng dược đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin nhưng tình hình dịch bệnh toàn cầu vẫn chưa được cải thiện là bao. Tại châu Á, số ca mắc mới Covid-19 ở Trung Quốc bất ngờ tăng trở lại, lên mức cao nhất trong 5 tháng. Nhật Bản vừa ban bố tình trạng khẩn cấp với vùng thủ đô Tokyo và có khả năng mở rộng thêm nhiều địa phương khác. Trong khi đó, châu Âu đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 3 khiến một loạt nước như Anh, Đức, Pháp… phải tăng cường phong tỏa. Còn tại Mỹ và Canada, cả số ca mắc và tử vong do Covid-19 đều gia tăng đáng lo ngại trong những ngày đầu năm mới 2021.

Tâm sự buồn của phi công trẻ: Hết thời lương tiền tỷ, đi ship đồ ăn qua ngày - 1
Tình trạng hàng nghìn máy bay “đắp chiếu”, hàng chục nghìn phi công thất nghiệp sẽ còn kéo dài

Các chuyên gia cảnh báo, nếu các trường hợp lây nhiễm tiếp tục tăng, cả du lịch và đi lại bằng đường hàng không đều sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn. “Sức mạnh phục hồi của ngành rất yếu, chủ yếu tập trung ở các đường bay nội địa, còn thị trường quốc tế hầu như vẫn đóng cửa. Trong khi đó, ở nhiều nơi trên thế giới, dịch bệnh vẫn đang gia tăng. Tất cả những điều này chỉ ra một giai đoạn phục hồi dài hơn và gây ra nhiều đau đớn cho ngành và nền kinh tế toàn cầu”, ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nhận định.

Hiện, hàng tỷ USD của hàng không toàn cầu vẫn đang “bốc hơi” mỗi ngày. Các “ông lớn” vẫn đang tiếp tục sa thải nhân viên, bán tàu bay và tài sản để cầm cự. IATA cảnh báo nếu không nhận được những khoản hỗ trợ khổng lồ từ các Chính phủ thì sau đại dịch, chỉ khoảng 30 trong tổng số 700 hãng hàng không trên thế giới có thể trụ lại. Đồng nghĩa, tình trạng dư thừa nhân sự trong ngành hàng không sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Hệ lụy xa hơn là hàng loạt phi công sẽ mất nghề vì không đảm bảo giờ bay liên tục theo quy định. Đặc biệt, nhiều phi công mới tốt nghiệp trường đào tạo còn phải mang theo gánh nặng tài chính do chi phí đào tạo lên đến hàng trăm nghìn USD khi không thể xin được việc làm tại các hãng bay.

Hoạt động đào tạo phi công, vốn bùng nổ những năm trước đại dịch trong “cơn khát” phi công toàn cầu, cũng phản ứng rất nhanh trước cú sốc Covid-19. Trước một tương lai bất định, nhiều hãng hiện đã ngừng đào tạo phi công mới. Hãng Lufthansa (Đức) thậm chí còn khuyến nghị các học viên phi công tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp khác do “thị trường không còn nhu cầu phi công mới, hoặc không có kinh nghiệm bay, trong một thời gian rất dài”, theo Flightglobal. 

Theo Hoàng Khởi (VietNamNet)

Nổi bật