Đầu giờ sáng ngày 8/5, các ngân hàng thương mại yết giá bán ra USD phổ biến trong khoảng 23.400-23.420 đồng, trong khi trên thị trường tự do, những điểm giao dịch trên phố Hà Trung (Hà Nội) chỉ bán ra ở ngưỡng 23.360-23.370 đồng. Trước đó, tình trạng này cũng diễn ra từ đầu tuần với mức chênh lệch giữa kênh chính thức và kênh tự do từ 40-60 đồng.
Việc các ngân hàng đẩy giá bán USD lên cao hơn cả thị trường tự do, theo một số chuyên gia, xuất phát từ tình trạng các nhà băng đã bán quá đà ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước dẫn tới nguồn cung trên thị trường tạm thời không còn dồi dào như trước.
Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng sáng 8/5 ở Hà Nội, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đã có những chia sẻ về biến động tỷ giá gần đây. Ông cho biết, hiện một số ngân hàng đang xảy ra tình trạng âm trạng thái ngoại tệ do trước đó đã bán quá nhiều USD cho cơ quan điều hành.
"Nhiều ngân hàng gần đây kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tăng cao tạo cơ hội mua được ngoại tệ giá rẻ. Tuy nhiên giao dịch này chưa diễn ra thì các ngân hàng này đã bán trước ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước. Điều này dẫn tới tình trạng âm trạng thái ngoại tệ cục bộ", ông Hải cho biết. Diễn biến này khiến cung ngoại tệ trên thị trường không dồi dào như trước, trong khi nhiều nhà băng phải tích cực mua vào để cân bằng trạng thái.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhắc tới vấn đề này như một trong những nguyên nhân tác động lên tỷ giá gần đây. Theo BVSC, tính tới ngày 18/4, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng 8,35 tỷ USD để đảm bảo dự trữ ngoại hối.
"Việc hút về lượng ngoại tệ lớn cũng phần nào gây áp lực với tỷ giá USD/VND", BVSC đánh giá.
Chia sẻ thêm về diễn biến của tỷ giá gần đây, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính vẫn do yếu tố tâm lý của thị trường. Đồng nhân dân tệ mất giá so với đôla Mỹ, cùng với những diến biến mới về cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư.
"Nếu nói dòng tweet của ông Trump mà ảnh hưởng tới cung cầu ngoại tệ của Việt Nam thì không có, nhưng vấn đề là căng thẳng thương mại leo thang đã tác động đến tâm lý trên thị trường", ông Hải đánh giá.
Tuy nhiên, dự báo trong trung - dài hạn của năm 2019, ông Hải cho rằng tỷ giá sẽ không có biến động quá đột biến trừ trường hợp xảy ra những biến cố đặc biệt như chiến tranh thương mại bùng nổ hay dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bị gián đoạn. Tổng giám đốc HSBC cho rằng tiền đồng có thể giảm khoảng 2-3% so với USD trong năm nay, biến động tương đồng so với những năm trước theo mục tiêu điều hành của cơ quan quản lý.
Cùng quan điểm với ông Hải, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng cho rằng tỷ giá biến động mạnh gần đây chỉ mang yếu tố cục bộ, nhìn xa hơn cả năm 2019, mức biến động có thể chỉ trong khoảng 2%.
BVSC, trong báo cáo mới công bố, cũng cho biết vẫn duy trì quan điểm là tỷ giá trong năm 2019 sẽ được giữ ổn định với mức mất giá dưới 2% khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao và Ngân hàng Nhà nước có khả năng điều chỉnh được tỷ giá khi có những biến động bất ngờ.
"Tỷ giá trung tâm sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng nhẹ nhằm tạo 'khoảng đệm' trong trường hợp có biến động bất ngờ. Trong khi đó, tỷ giá của các ngân hàng được dự báo sẽ vẫn đi ngang, dao động trong biên độ hẹp do nguồn cung ngoại tệ từ vốn FDI và FII vẫn ở mức tốt", BVSC cho biết.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)