Theo thông tin mới nhất về các tỷ phủ thế giới năm 2024 của tạp chí Forbes, Việt Nam có 6 doanh nhân góp mặt trong danh sách này gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Nữ tỷ phú Việt Nam duy nhất là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VietJet Air), Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).
Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp bà Phương Thảo có tên trong danh sách các tỷ phú kể từ năm 2017 tới nay.
Trong danh sách 2.781 tỷ phú trên thế giới của năm nay (tài sản tính tới thời điểm 10/3/2024), bà Thảo đứng vị trí thứ 1.187. So với danh sách thời điểm này năm ngoái ở vị trí 1.368, thứ hạng của "bóng hồng" duy nhất trong số các tỷ phú Việt Nam đã cải thiện 181 bậc.
Xét về tài sản, theo dữ liệu tính toán của Forbes, tổng tài sản của bà Phương Thảo đã tăng đáng kể so với năm ngoài, từ 2,2 tỷ USD lên 2,8 tỷ USD (tăng 0,6 tỷ USD).
Diễn biến tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo trong những năm qua
Để có tên trong danh sách này, Forbes đã lựa chọn phương pháp đánh giá quy mô tài sản của mỗi cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 10/3.
Trên sàn chứng khoán, cá nhân bà Thảo hiện đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu của HDBank (mã HDB, sàn HOSE) và VietJet Air (VJC, HOSE). Số lượng cổ phiếu sở hữu lần lượt là 47,5 triệu cổ phiếu VJC (tỷ lệ 8,8%) và 109 triệu cổ phiếu HDB (tỷ lệ 3,7%), tương đương 4.854,5 tỷ đồng và 2.550,6 tỷ đồng. Tổng tài sản tại sàn chứng khoán của bà là 7.405,1 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VJC "đi lùi" nhẹ 4,5% giá trị, từ 107.000 đồng/cp (cập nhật phiên 2/1) xuống 102.200 đồng/cp (cập nhật phiên 3/4).
Về kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính 2023 kiểm toán, VietJet Air ghi nhận doanh thu thuần đạt 58,3 nghìn tỷ đồng, tăng 45,2% so với năm 2022.
Kết quả, lợi nhuận cả năm 2023 đạt 230,6 tỷ đồng, cải thiện tích cực so với khoản lỗ của cùng kỳ là 2,3 nghìn tỷ đồng.
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận tại VietJet Air những năm qua
Năm 2023 vừa qua, VietJet Air đã tích cực mở rộng nhiều đường bay quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khách hàng. Nổi bật với các chặng bay từ hai thành phố lớn Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh lân cận đến các địa điểm quốc tế: Thượng Hải (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Hong Kong (Trung Quốc),…
Ngoài ra, VietJet Air trở thành hãng hàng không đầu tiên có đường bay giữa Việt Nam tới 5 thành phố lớn nhất của Úc, hay nhiều đường bay nhất với Ấn Độ.
Đây cũng được cho là một trong những yếu tố giúp VJC phục hồi mạnh mẽ trong năm qua.
Cùng lúc đó, từ đầu năm đến nay, HDBank khởi sắc khi đón sóng mạnh mẽ cùng nhóm ngân hàng, cổ phiếu HDB tăng tích cực 17,6% giá trị, từ 19.900 đồng/cp (cập nhật phiên 2/1) lên 23.400 đồng/cp (cập nhật phiên 3/4).
Thu nhập lãi thuần năm 2023 tại "nhà băng" này đã tăng 23,2% so với cùng kỳ, cán mốc 22,2 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế cũng từ đó tăng lên 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng tương đương 26% so với năm 2022.
Theo Minh Anh (Phụ Nữ Việt Nam)