Liên quan đến những thông tin về bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc thâu tóm, sở hữu cổ phần của các thành viên trong gia đình bà Thoa được thực hiện khá nhanh chóng sau khi công ty này cổ phần hóa năm 2005 và niêm yết trên sàn hai năm sau đó.
Sau khi cổ phần hóa và trước thời điểm thực hiện niêm yết, cổ phiếu của Điện Quang (DQC) từng được giao dịch ở mức rất cao, có thời điểm được đẩy giá lên tới 60 lần so với mệnh giá. Tuy nhiên, sau khi lên sàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Điện Quang không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thậm chí, năm 2008-2009, Điện Quang dưới thời Tổng Giám đốc Hồ Thị Kim Thoa gặp khó khăn đến mức dường như không thể vực nổi khi bị khách hàng Cuba nợ tới hơn 1.000 tỷ đồng. Mãi đến năm 2010, khoản nợ hơn 56 triệu USD Mỹ này được thống nhất sẽ trả dần trong thời gian sáu năm.
Từ ngày 23/2/2005 đến 17/5/2010, khi giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, bà Thoa đã bắt đầu sở hữu khá lớn số cổ phần cổ phiếu của Điện Quang. Sau khi cổ phiếu Điện Quang lên sàn chứng khoán, có những phiên giao dịch bà Thoa mua hàng chục nghìn cổ phiếu để gia tăng sở hữu.
Điển hình ngày 13/8/2008, bà Thoa đăng ký mua thêm 200.000 cổ phiếu. Đến phiên giao dịch ngày 11/11/2008, bà Thoa mua 62.200 cổ phiếu DQC để nâng tỷ lệ sở hữu lên tổng cộng 736.420 cổ phiếu, tương đương 2,31% vốn Điện Quang. Tính về giá trị cổ phiếu DQC bà Thoa nắm giữ đạt hơn 18,1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2009, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu DQC của bà Thoa đã tới gần 858.000 cổ phiếu, tương ứng hơn 33 tỷ đồng.
Còn theo thông tin từ Bộ Công Thương, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và nắm giữ tổng cộng 1.686.415 cổ phiếu với giá trị ước tính lên tới 102 tỷ đồng, tương đương với 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền.
Vụ chuyển nhượng đáng chú ý tại Điện Quang
Ngày 15/9/2014, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ra thông báo đã bán toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang với số tiền 179 tỷ đồng và hoàn tất việc thoái vốn tại công ty này.
Bà Hồ Thị Kim Thoa |
Đúng một năm sau, ngày 15/9/2015, ông Hồ Đức Dũng bán ra 1,5 triệu cổ phiếu Điện Quang với tổng số tiền 83,25 tỷ đồng. Sau khi thực hiện giao dịch, tỷ lệ nắm giữ của ông Hồ Đức Dũng giảm từ 10% xuống còn 4,9% cổ phần của Điện Quang. Cùng thời điểm, theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, ông Hồ Quỳnh Hưng cũng đăng ký mua vào theo hình thức thỏa thuận cũng chính 1,5 triệu cổ phiếu trên. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 10/9 đến 8/10/2015. Sau cú giao dịch này, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu DQC của ông Hưng nâng lên 2.289.085 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,17%.
Cùng với ông Hưng, theo báo cáo quản trị của DQC, nhiều thành viên trong gia đình bà Thoa đang nắm giữ khối tài sản rất lớn tại đây. Cụ thể, con gái lớn của bà Thoa là bà Nguyễn Thái Nga (sinh năm 1984) tham gia thành viên HĐQT từ tháng 3/2014 và từng giữ chức Giám đốc chi nhánh Hà Nội Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tính đến tháng 6/2016 sở hữu hơn 4,1 triệu cổ phiếu DQC trị giá trên 230 tỷ đồng. Một người con gái khác của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm giữ hơn 2,23 triệu cổ phiếu DQC trị giá khoảng 133,6 tỷ đồng, tương đương 6,49% vốn DQC. Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ (mẹ bà Thoa) cũng nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu trị giá 70,2 tỷ đồng (tương đương 3,83%).
Bịt lỗ hổng về trách nhiệm quản lý
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, hiện vẫn có lỗ hổng về mặt quy định pháp luật chặt chẽ liên quan đến những người nắm chức vụ quản lý và những người có liên quan tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong khi thực tế, như trường hợp của bà Thoa, có nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp lên làm lãnh đạo ở Bộ rồi phụ trách đúng lĩnh vực, các doanh nghiệp mà họ đã từng làm việc. “Việc cần hiện nay là phải làm rõ từ khi giữ chức Thứ trưởng, bà Thoa có các quyết định gì có ảnh hưởng, tạo điều kiện không công bằng trong cạnh tranh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Cùng đó, cần có các quy định cụ thể tránh để xảy ra những trường hợp có thể lợi dụng để tư lợi”, ông Hải nói.
“Về nguyên tắc, khi bán vốn Nhà nước, sẽ có các đối tác chiến lược và thực hiện bán. Nhưng với thoái vốn của SCIC tại Điện Quang thì người mua lại là người thân của bà Thoa”, ông Hải nói và kiến nghị cần làm rõ có vi phạm các quy định hay không.
Về Chủ tịch HĐQT Điện Quang Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. HCM chuyên ngành công nghệ thông tin năm 1994, ông Hồ Quỳnh Hưng về làm nhân viên xuất nhập khẩu thuộc Công ty CP Nhựa Rạng Đông. Hai năm sau, ông Hưng chuyển Công ty Giày Hiệp Hưng giữ chức vụ Giám đốc xuất nhập khẩu. Năm 2000, ông Hưng nghỉ việc ra lập Công ty TNHH Việt gồm 3 nhân sự với số vốn ban đầu 150 triệu đồng chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu giày dép. Gần một năm sau khi trở thành nhân viên dưới quyền của chị gái là bà Thoa (năm 2007 Công ty Điện Quang (khi đó bà Thoa là Tổng giám đốc) quyết định mua lại 51% vốn của Công ty TNHH Việt), ông Hưng được điều động về làm Phó Tổng giám đốc Điện Quang quản lý Nhà máy Đồng An, một nhà máy chủ lực của Điện Quang. Năm 2010 ông Hưng (sinh ngày 24/7/1971) được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Điện Quang thay cho bà Thoa ra Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Khi đó, ông Hưng 39 tuổi. Giai đoạn 2010-2013, doanh thu hàng năm của Điện Quang tăng rất mạnh từ 646 tỷ đồng lên 914 tỷ đồng. |
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)