Tái diễn chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn

27/02/2017 16:16:00

Thêm một vụ chủ và giám đốc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) biến mất để lại khoản nợ hàng chục tỉ. Công ty này thua lỗ từ lâu nhưng lãnh đạo đã bỏ đi trót lọt…

Thêm một vụ chủ và giám đốc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) biến mất để lại khoản nợ hàng chục tỉ. Công ty này thua lỗ từ lâu nhưng lãnh đạo đã bỏ đi trót lọt…

Công ty Quatron đã đóng cửa, người lao động bị nợ lương và nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh: Đ.Hà

Giám đốc Công ty cổ phần thép Quatron (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) là người nước ngoài đã mất liên lạc từ giữa
 năm 2016.

Cao chạy xa bay 
để lại khoản nợ

Công ty cổ phần thép Quatron (100% vốn nước ngoài) được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, với sáu cổ đông sáng lập người Jordan, Hi Lạp, Canada.

Từ giữa năm 2014, Công ty Quatron đã có dấu hiệu thua lỗ, nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến hết tháng 2-2017 công ty này nợ gần 20 đối tác với số tiền hơn 11 tỉ đồng.

Chưa hết, theo BHXH, Quatron còn nợ lương của người lao động hơn 2,7 tỉ đồng, nợ BHXH hơn 15 tỉ đồng của gần 400 lao động.

Ngoài ra còn khoản nợ hơn 1,2 tỉ đồng tiền thuế và các khoản lãi quá hạn ngân hàng.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu, diện tích đất 80.000m2 mà Công ty Quatron thuê cùng toàn bộ nhà xưởng đã được thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền vay khoảng 3 triệu USD.

Như vậy ước tính đến thời điểm này, tổng số tiền Quatron nợ người lao động, BHXH, ngân hàng lên tới trên 100 tỉ đồng.

Thế nhưng qua xác minh của Thi hành án dân sự huyện Tân Thành với sự thẩm định giá của một công ty độc lập, tổng tài sản của Quatron được thế chấp tại ngân hàng chỉ khoảng 60 tỉ đồng.

Hàng trăm công nhân bơ vơ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phi Hùng, trưởng Phòng chính sách an toàn lao động Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đến nay việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong vụ Quatron là “khó vô cùng”, vì chủ doanh nghiệp đã về nước, tổng giám đốc làm thuê cũng về luôn.

Từ đầu năm 2016, khi nắm được tình hình nợ nần của công ty này, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã liên tục yêu cầu công ty báo cáo tình hình nhưng công ty này không đáp ứng.

Tiếp đó, cơ quan này tiến hành kiểm tra thực tế nhưng khi làm việc, đại diện công ty trình cho đoàn kiểm tra những giấy ủy quyền không rõ nội dung và tư cách. Đến tháng 10-2016, Công ty Quatron có văn bản đề nghị hoãn kiểm tra vì chưa có tổng giám đốc mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 26-2 về lý do tại sao có nghi ngờ, có kiểm tra nhưng vẫn không ngăn chặn được doanh nghiệp bỏ trốn, ông Nguyễn Anh Triết, trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ngay từ khi có dấu hiệu, đầu năm 2016 ban đã gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp này báo cáo nhưng doanh nghiệp không thực hiện.

Khi làm việc trực tiếp, chủ doanh nghiệp này không có mặt mà ủy quyền không hợp lệ cho người khác.

“Khi bắt đầu xảy ra sự việc, chủ doanh nghiệp Quatron chỉ ở nước ngoài và làm ủy quyền cho người không hợp lệ ở VN. Do chủ không có mặt nên chúng tôi không thể đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh” - ông Triết nói.

Về quan điểm xử lý tài sản, nợ của Công ty Quatron, ông Nguyễn Duy Hồng, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết nếu bán thu hồi được tiền sẽ ưu tiên cho người lao động trước. Ông Nguyễn Anh Triết cũng đồng ý quan điểm này.

Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn 
vẫn tiếp diễn...

Ông Cao Tiến Sĩ - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai - nêu tình trạng chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn rộ lên khoảng 4-5 năm về trước. Sau khi tập trung rà soát, siết lại, tình trạng doanh nghiệp này đã giảm.

Tuy nhiên ông thừa nhận tình trạng này vẫn còn... BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết lũy kế từ trước đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp FDI ngưng sản xuất, chủ về nước không liên hệ được. 24 doanh nghiệp này nợ gần 10 tỉ đồng tiền BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. (A.Lộc)

 

Cần phối hợp để ngăn bỏ trốn

Ông Trần Xuân Thu, phó giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết ở tầm vĩ mô cần có chính sách, chế tài cụ thể để kiểm soát các doanh nghiệp FDI, nhất là năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Trước mắt, để hạn chế tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến người lao động mất quyền lợi, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau sâu sát hơn.

Ông Thu cảnh báo hiện BHXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang quản lý gần 250 doanh nghiệp có 100% FDI nhưng có 21% doanh nghiệp FDI đang nợ đọng tiền BHXH.


Theo Đông Hà (Tuổi Trẻ)