Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã vào cuộc “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn nhằm giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn khi giá thịt lợn đang giảm ở mức kỷ lục.
Theo đó, các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn |
Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ 01 (một) lần đối với một khoản nợ; Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Tương tự, trước diễn biến tình hình của thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn liên tục giảm mạnh, ngày 4/5, Bộ Tài chính cũng đã gửi công văn tới Sở Tài chính và các doanh nghiệp thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi về việc tăng cường biện pháp để bình ổn thị trường thịt lợn.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá khi xây dựng phương án giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; rà soát, tính toán và có các giải pháp công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán; không tăng giá bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.
Thực hiện điều chỉnh giảm ngay giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm giá và kê khai giá theo quy định. Ngoài ra, Bộ Tài chính khuyến nghị các cơ sở này khi bán sản phẩm ra thị trường cần có sự chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng.
Với các Sở Tài chính, Bộ này đề nghị cần thực hiện tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời, căn cứ thẩm quyền và điều kiện thực tế, khả năng tài chính của địa phương để tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương.
Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (đặc biệt các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Khuyến khích các doanh nghiệp ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi, với giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Theo B.H (VietNamNet)