Những ngày này, tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, cảnh ùn tắc vẫn diễn ra, hàng ngàn xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc nằm chờ thông quan. Cơ quan chức năng đang tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc tìm cách giải phóng hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu.
Song, một số chủ hàng đành phải cho xe quay đầu, dỡ bỏ nông sản xuống bán đổ bán tháo. Bởi nếu tiếp tục chờ, hàng hoá có nguy cơ bị thối hỏng phải đổ bỏ, thiệt hại sẽ rất lớn.
Trên thị trường, nhiều loại trái cây đổ bộ chợ với giá rẻ hơn rau do “tắc đường” sang Trung Quốc. Đơn cử, mít da xanh giải cứu với giá 7.000-10.000 đồng/kg; xoài keo, xoài hạt lép giá chỉ 6.000-8.000 tuỳ loại, thanh long ruột đỏ giá 12.000-15.000 đồng/kg...
Hiện, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của nông sản Việt xuất khẩu. Đặc biệt, cuối năm là thời gian cao điểm xuất khẩu các loại rau quả sang thị trường này. Việc ùn ứ tại các cửa khẩu gây áp lực lớn tại thị trường nội địa.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn.
Với sản lượng trái lớn cho thu hoạch đúng vào vụ Tết, ông Tùng cho rằng các địa phương cần tính toán kỹ phương án tiêu thụ để tránh tình trạng ùn ứ, giá giảm. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Tại diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần mới đây, Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Dự kiến, tổng sản lượng hoa quả từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 lần lượt là 19.000 tấn, 22.000 tấn, và 35.000 tấn.
Ngoài ra, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy cũng được tỉnh quan tâm.
“Tham dự diễn đàn là bước khởi đầu cho nông dân tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá nông sản tới các DN trong và ngoài nước. Hy vọng qua diễn đàn, chúng tôi sẽ có thêm thông tin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường”, ông Điền nói.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh này cũng kêu gọi doanh nghiệp, kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đến đầu tư vào Đồng Tháp.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh Nguyễn Văn Mấy, cho hay địa phương cũng chào bán có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na hoàng hậu. Ông khẳng định các sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long mời các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị mua 400 tấn bưởi năm roi và bưởi da xanh; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn. Riêng mặt hàng khoai lang thương phẩm, tỉnh có thể cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên đán khoảng 400.000 tấn.
Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - nhận định, cuối năm là dịp tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước. Ông hy vọng có thể kết nối được với các doanh nghiệp, HTX cung ứng để đưa đặc sản vào hệ thống siêu thị.
Trong khi đó, nhiều hệ thống siêu thị nhận định, thị trường Tết năm nay sẽ có phần ảm đạm do người dân thắt chặt chi tiêu. Do đó, họ sẽ ưu tiên chọn mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi, hàng đặc sản thiết thực cho nhu cầu cuộc sống. Phía siêu thị sẽ sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ các nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cũng nhận định, nguồn cung các sản phẩm nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng so với năm ngoái. Nhu cầu thực phẩm dịp Tết trung bình tăng từ 15-20% tùy từng sản phẩm.
Do đó, ông mong các địa phương tích cực chào hàng, chủ động kết nối, thông tin rộng rãi để công tác tiêu thụ đạt được giá trị cao nhất, tránh tình trạng ùn ứ giá giảm.
Theo Tâm An (VietNamNet)