Tác động của virus nCoV tới nền kinh tế thế giới

31/01/2020 08:43:50

Virus nCoV đã lây lan đến hơn 8.100 người trên toàn cầu vào thứ Năm kể từ khi bùng phát vào tháng 12 năm ngoái, gây ra ảnh hưởng tiêu cực to lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tác động của virus nCoV tới nền kinh tế thế giới

Đại đa số bệnh nhân mắc virus corona mới là công dân Trung Quốc, nơi virus có nguồn gốc từ một khu chợ ở thành phố Vũ Hán. Dữ liệu mới nhất từ chính phủ nước này cho biết hiện có ít nhất 170 người đã tử vong do mắc bệnh viêm phổi cấp kể từ khi công bố dịch.

Dịch bệnh viêm phối đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc và xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, buộc hàng chục triệu người phải tìm mua khẩu trang để ngăn ngừa virus.

Công ty dược phẩm và vật tư y tế Kukje Pharma Co có trụ sở tại Hàn Quốc, đang cân nhắc việc tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần năng suất để đáp ứng các đơn hàng khổng lồ lên tới hàng chục triệu chiếc khẩu trang.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho đến nay vẫn chưa tuyên bố dịch viêm phổi corona mới, vốn có biểu hiện giống như bệnh cảm cúm thông thường, là trường hợp khẩn cấp toàn cầu. Hiện tổ chức này đã nhóm họp tại Geneva để đánh giá lại tình hình trước khi đưa ra thông cáo mới nhất.

Tuyên bố trường hợp khẩn cấp toàn cầu sẽ kích hoạt các hướng dẫn ngăn chặn và chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn, nhưng có thể khiến Trung Quốc thất vọng, khi chính quyền Bắc Kinh luôn tỏ ra tự tin trong việc ngăn chặn thành công sự lây lan của virus "ma quỷ" này.

Động thái của WHO cũng có thể tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu, vốn đã ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực khi Trung Quốc lâm vào tình cảnh dịch bệnh và chưa thể kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chris Weston, chuyên gia tại công ty môi giới Pepperstone có trụ sở tại Melbourne cho biết, "có một nỗi lo sợ rằng thông báo của WHO có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc".

Hội chứng hô hấp cấp SARS trong giai đoạn 2002-2003 cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, giết chết khoảng 800 người và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 33 tỷ USD.

Các nhà kinh tế lo ngại tác động của dịch nCoV lần này có thể khủng khiếp hơn bởi Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới. Một nhà phân tích của chính phủ đã dự báo cuộc khủng hoảng sẽ giảm 1% so với mức tăng trưởng trong quý đầu tiên của Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán toàn cầu và dầu khí đã sụt giảm vào thứ Năm, trong khi đồng nhân dân tệ chạm mức thấp nhất trong năm nay.

Vũ Hán - "thành phố ma"

Kể từ khi dịch bệnh lan rộng, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã quyết định phong tỏa hoàn toàn thủ phủ Vũ Hán - nơi khởi phát của virus corona, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

"Hầu hết các cửa hàng tại thành phố này đều đóng cửa. Chúng tôi không thể ra ngoài và mua thức ăn. Tôi chỉ có một củ khoai tây lớn và 3 gói mù ăn liền cùng một ít gạo để sống qua ngày", Si Thu Tun, du học sinh Myanmar bị mắc kẹt ở Vũ Hán, cho biết.

Chính phủ Myanmar đang lên kế hoạch sơ tán 60 sinh viên ở Vũ Hán về quê nhà trên một chuyến bay khẩn cấp trong vòng 3 ngày tới.

Australia, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand và Indonesia đã cách ly người tới từ Vũ Hán trong ít nhất hai tuần.

Hiện đã có 3 người Nhật Bản dương tính với nCoV sau khi trở về từ Vũ Hán. Ấn Độ là quốc gia mới nhất báo cáo về trường hợp công dân nhiễm virus, trong khi đó người dân Hàn Quốc đã tiến hành biểu tình tại các cơ quan chính phủ và thậm chí ném trừng vào một vị bộ trưởng.

"Vũ khí bảo vệ chúng ta khỏi virus mới không phải là sợ hãi và ác cảm, mà là sự tin tưởng và hợp tác", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trấn an người dân sau khi chính quyền Seoul chuẩn bị sơ tán khoảng 700 công dân đầu tiên khỏi Vũ Hán.

Các doanh nghiệp dần cảm nhận tác động

Các doanh nghiệp lớn như Alphabet (công ty "mẹ" của Google) và IKEA của Thụy Điển là những "ông lớn" mới nhất đóng cửa hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó Samsung kéo dài thời hạn nghỉ lễ của nhân viên tại một số khu vực do lo sợ dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Các hãng hàng không bao gồm Lufthansa, Air Canada, American Airlines và British Airways đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

Do lệnh phong tỏa giao thông, hàng nghìn công nhân chưa thể quay trở lại các nhà máy để ổn định công việc sau kỳ nghỉ lễ Tết.

Các nhà hoạch định chính sách cũng lo lắng trước tình trạng đình trệ của kinh tế Trung Quốc, đây cũng là chủ đề được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đưa ra thảo luận trong hội nghị hôm thứ Tư. "Khi nền kinh tế Trung Quốc đình trệ, chúng tôi cũng có cảm giác tương tự", ông Powell cho biết.

Dư luận Trung Quốc cũng đang hết sức bất an trước việc kiểm soát bệnh tật và đưa đất nước trở lại cuộc sống thường ngày của chính quyền địa phương. Mới đây, người đứng đầu ngành y tế của thành phố Hoàng Cương (tỉnh Hồ Bắc) đã bị sa thải do không thể trả lời các câu hỏi cơ bản trên sóng truyền hình.

"Tôi không biết rõ về vấn đề này. Đừng hỏi tôi về việc liệu có bao nhiêu người đang được điều trị", bà Tang Zhihong phát biểu trên sóng truyền hình, vài giờ trước khi bị tuyên bố cách chức.

Theo Bắc Hiệp (Ngaynay.vn)

Nổi bật