Phản ánh đến Báo Người Lao Động, anh Hoàng Lê (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết anh vừa được phòng hành chính của công ty thông báo nhận được tin nhắn đòi nợ từ khoản vay của anh.
Nội dung tin nhắn gửi tới phòng hành chính là anh Hoàng Lê có khoản vay online vào 2 năm trước nhưng nhiều lần không trả nợ và trốn tránh. "Nhờ anh chị thông báo giúp anh Lê liên hệ theo số điện thoại 077.322xxx để giải quyết nợ, tránh ảnh hưởng tới công ty…" - tin nhắn nêu rõ.
"Tên, ngày sinh, nơi tôi đang làm việc thì đúng nhưng số CCCD không đúng và đặc biệt là tôi chưa từng vay online hoặc vay vốn tín dụng ở đâu. Hai năm trước tôi cũng chưa làm CCCD mà đang sử dụng CMND" - anh Lê kể.
Cũng theo bạn đọc này, khoảng hơn 1 tuần trước, anh có nhận được cuộc gọi từ số lạ đòi nợ cho khoản vay từ 2 năm trước, anh cũng trả lời chưa từng vay nợ và đề nghị gửi hợp đồng tín dụng vay online qua để anh xác nhận. Nay, số lạ tiếp tục gửi tin nhắn tới công ty nơi anh làm việc, biết rõ vị trí công việc của anh khiến anh rất lo lắng.
"Tôi gọi theo số trong tin nhắn nhưng thuê bao không liên lạc được hoặc không nghe máy" - anh Lê nói thêm.
Một số bạn đọc khác cũng phản ánh về việc bỗng dưng bị đòi nợ hoặc nhận được cuộc gọi "khủng bố" dù chưa từng vay nợ. Anh Ngọc (ngụ quận 11, nhân viên bảo vệ một cơ quan nhà nước ở quận 3, TP HCM) kể vài nhiều tháng nay, cứ thỉnh thoảng anh lại nhận được tin nhắn đòi nợ và hăm dọa, "khủng bố tinh thần", thậm chí gắn hình ảnh, thông tin cá nhân của anh lên mạng xã hội để đòi nợ.
Anh Ngọc khẳng định mình chưa từng vay nợ ở ứng dụng (app) cho vay online của tổ chức tín dụng nào.
"Vài tháng trước, tôi có liên hệ với tổ chức tài chính vi mô để muốn vay vốn hỗ trợ nhưng nhân viên bên tổ chức tài chính này nói tôi có khoản nợ xấu trên CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia) nên không được vay.
Trong khi tôi chưa từng vay, sao lại bị nợ xấu, giờ tiếp tục bị "khủng bố" đòi nợ bằng tin nhắn. Tôi gọi cho số lạ thì được cho biết có khoản vay bị nợ xấu tại một công ty tài chính, tôi cũng đã phản ánh với công ty tài chính này vì chưa từng có quan hệ tín dụng ở đây" - anh Ngọc bức xúc.
Bình luận về những sự việc này, một số chuyên gia tài chính giải thích có thể từ tình trạng đánh cắp và mua bán thông tin cá nhân của khách hàng tràn lan thời gian qua, kẻ gian sử dụng thông tin đó để làm giả giấy tờ rồi vay mượn tại các app, tổ chức tín dụng. Do đó, họ tên, số điện thoại đúng nhưng CCCD có thể sai hoặc lấy thông tin của người này, ghép với người kia tạo hồ sơ giả mạo để vay vốn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để tránh bị "khủng bố" đòi nợ dù không vay vốn, khách hàng phải liên hệ được với bên cho vay (app cho vay online, công ty tài chính hoặc tổ chức tín dụng) phản ánh thông tin sai lệch và gỡ thông tin khách hàng trên hệ thống của họ.
Liên quan đến việc triệt tài khoản giả mạo, tài khoản rác, mạo danh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (hiệu lực từ 1-7). Quyết định này có yêu cầu các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu ban hành Quyết định 2345 là hướng tới bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp Bộ Công an triển khai làm sạch tài khoản khách hàng, sau khi làm sạch xong sẽ không có hiện tượng dùng giấy tờ giả để mở tài khoản. Thống kê đến đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho hay đã có khoảng 19 triệu tài khoản thông qua căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an cấp, được làm sạch.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)