SVB sụp đổ, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam ảnh hưởng gì?

13/03/2023 16:23:43

Sau vụ Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu. Việt Nam cũng đối mặt với nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tốt và Việt Nam có dư địa để phát triển.

Tăng trưởng mạnh nhất khu vực

Tại buổi công bố báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với tiêu đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng” diễn ra sáng nay (13/3), Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bà Carolyn Turk khẳng định, nền kinh tế Việt Nam khá tốt trong 6 tháng qua.

Theo bà Carolyn Turk, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2022. Đây là mức cao nhất trong khu vực nhưng cũng lưu ý một phần là do Việt Nam có xuất phát điểm thấp.

Theo đó, Việt Nam hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở mức đáng kể, có cam kết và giải ngân mạnh mẽ từ khu vực đầu tư nước ngoài, khiến nền kinh tế trở nên sôi động.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng cho rằng, tăng trưởng trong năm 2022 của Việt Nam ở mức cao nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp. Bên cạnh đó, nền kinh tế bứt nhanh nhờ tiêu dùng tư nhân trong nước phục hồi sau Covid-19 và kết quả vững chắc của các hoạt động chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.

SVB sụp đổ, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam ảnh hưởng gì?
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bà Carolyn Turk. (Ảnh: WB)

Bà Carolyn Turk cho rằng, trong nền kinh tế Việt Nam, cũng có vấn đề về thắt chặt tiền tệ và vấn đề về thanh khoản, đặc biệt tại một số ngân hàng nhỏ.

“Và điều này cho thấy tầm quan trọng của việc giám sát tài chính. Các cơ quan quản lý ngân hàng cần phải nắm vững những gì xảy ra, cần có dữ liệu cũng như khả năng để hành động vào thời điểm phù hợp”, bà Carolyn Turk  chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc WB tại Việt Nam, Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn nếu có sự tiếp cận tốt hơn về đầu tư công cũng như có sự mạnh hơn trong việc quản lý chi tiêu công nói chung. Đặc biệt có sự linh hoạt hơn trong việc điều chuyển chính sách.

Theo bà Dorsati Madani, Việt Nam chịu áp lực gia tăng trong năm 2022. Do vậy, chủ trương mở rộng chính sách tài khóa theo dự kiến ban đầu bị ảnh hưởng do những thách thức phát sinh trong quá trình thực hiện ngân sách.

Các chuyên gia cho rằng, triển vọng trong ngắn hạn vẫn thuận lợi nhưng Việt Nam đối mặt với rủi ro.

Bà Carolyn Turk phân tích, sau vụ Silicon Valley Bank sụp đổ sẽ có thêm nhiều biến động trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng của các sự kiện địa chính trị phức tạp, lạm phát cao trên thế giới, tăng trưởng chậm lại của khu vực dịch vụ…

Sức tiêu dùng suy giảm và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước, bà Carolyn Turk tin tưởng Việt Nam có dư địa để phát triển và đạt tăng trưởng kinh tế tốt hơn nữa.

Giám đốc WB Việt Nam bày tỏ, trong thời gian tới, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế Việt Nam.

SVB sụp đổ, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam ảnh hưởng gì? - 1
Kinh tế Việt Nam còn dư địa tài khóa để phát triển. (Ảnh: CP)

“Và việc tăng cường các công cụ quản lý đầu tư công cũng như việc đảm bảo việc thực hiện ngân sách một cách có hiệu quả không chỉ đóng góp vai trò cho sự  phục hồi sau giai đoạn Covid-19 mà còn quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn”, bà Carolyn Turk chia sẻ.

Cũng theo bà Carolyn Turk, có rất nhiều sự biến động trên thị trường tài chính trong giai đoạn 2021-2022. Các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cũng đã có những hành động kịp thời và khôi phục niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, có một số biến động cho thấy rằng, một số điểm yếu trên thị trường tài chính và ngân hàng vẫn tồn tại. Và Việt Nam cần giải quyết các điểm yếu này nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai.

Chuyên gia của WB khẳng định, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động. Trong ngắn hạn, Việt Nam nên đặt trọng tâm vào việc triển khai dự toán chi đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và cơ sở vật chất. 

WB cũng cho rằng, Việt Nam cần có chính sách tiền tệ linh hoạt, được phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu chính sách tài khóa, qua đó có thể kiểm soát được lạm phát nhưng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)