Suốt 8 năm chìm nổi, cổ phiếu một thời của Hà Văn Thắm bùng lên

29/03/2022 09:20:13

Cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương tăng mạnh trong thời gian gần đây và vượt xa mức giá thời trước khi ông Hà Văn Thắm bị bắt. Hôm 28/3, OGC tăng mạnh gần 4,6% trong phiên thị trường đỏ lửa.

Sau 2 phiên tăng trần trước đó, trong phiên 28/3 cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) tiếp tục tăng thêm gần 4,6% lên 18.400 đồng. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này đã tăng trên 60%, đi ngược xu hướng ảm đạm trên thị trường.

Mức giá hiện tại của OGC cao hơn khá nhiều so với mức 12.000 đồng/cp ở vào thời điểm trước khi ông Hà Văn Thắm bị bắt tạm giam từ ngày 24/10/2014 và mức đáy 1.200 đồng/cp thời điểm cuối 2016 khi nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố.

Ông Hà Văn Thắm bị Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố ngày 24/10/2014 với tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đồng thời bị bắt tạm giam trong thời hạn 4 tháng.

Kể từ khi ông Thắm bị bắt, cổ phiếu OGC giảm không ngừng và khiến nhiều nhà đầu tư bắt đáy thua lỗ đậm. Chỉ trong vòng nửa năm cuối 2014, cổ phiếu OGC giảm 50% xuống ngưỡng 6.000 đồng/cp. Nhiều người lao vào bắt đáy cổ phiếu này ở thời điểm đó. Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó bốc hơi thêm hơn 50% trong vòng 6 tháng tiếp theo và xuống mức 2.500 đồng/cp.

Suốt 8 năm chìm nổi, cổ phiếu một thời của Hà Văn Thắm bùng lên
Tin chứng khoán ngày 29/3: Dồn dập tăng trần, cổ phiếu Ocean Group vượt xa thời ông Hà Văn Thắm bị bắt

Cổ phiếu này sau đó hồi phục đôi chút lên 3.600 đồng/cp hồi cuối 2015 trước khi tiếp tục rớt xuống đáy lịch sử, khoảng trên 1.000 đồng/cp.

Ocean Group là một doanh nghiệp nổi tiếng thời kỳ đó với nhiều dự án bất động sản, du lịch khách sạn, tài chính ngân hàng, truyền thông và bán lẻ. CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (Ocean Hospitality) khi đó do ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch là doanh nghiệp thâu tóm Kem Tràng Tiền sau khi bỏ ra số tiền gấp 10 lần số tiền định giá của hãng kem này.

Ông Hà Văn Thắm khi đó là người nằm trong top 10 giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam và là đại gia giàu nhất trong lĩnh vực ngân hàng.

Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt và vướng vòng lao lý, cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh. Một loạt doanh nghiệp liên quan đến ông Thắm đã phải bán giải chấp cổ phiếu OGC theo yêu cầu của ngân hàng.

Ocean Group cũng đã bán đi phần lớn các tài sản như các khu đất vàng ở Hà Nội, hệ thống siêu thị Ocean Mart, Khách sạn Dầu khí Phương Đông,...

Các ngành chủ chốt của OGC đều đã tan vỡ. Trong khoảng 2 năm sau đó, OGC gần như không còn tập trung vào hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là tập trung vào bán cân đối lại các khoản công nợ để tái cơ cấu.

Suốt 8 năm chìm nổi, cổ phiếu một thời của Hà Văn Thắm bùng lên - 1
Ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Ocean Bank.

Trên thị trường chứng khoán gần đây, giới đầu tư chứng kiến những đợt giảm mạnh của một số nhóm cổ phiếu nóng. Nhóm cổ phiếu “họ FLC” của ông Trịnh Văn Quyết hôm 28/3 đồng loạt giảm sàn với dư bán cả trăm triệu đơn vị sau khi có tin đồn ông Quyết bị bắt. Cơ quan chức năng phủ nhận tin đồn nhưng lại có những thông tin cho biết ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh đến hết ngày 25/4.

Dòng tiền có thể trở lại nhóm blue-chips

Một số dự báo cho rằng, thị trường chứng khoán thường đột ngột giảm mạnh khi có tin đồn về các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu không liên quan cũng bị bán tháo bởi tâm lý đám đông. Và đây là cơ hội gom hàng tốt với giá rẻ.

Theo MBS, việc nhóm cổ phiếu đầu cơ giảm trong phiên hôm 28/3 sẽ là bình thường khi chỉ số Smallcap tiệm cận mức đỉnh cũ. Tuy nhiên, với diễn biến trong phiên, một số cổ phiếu nhóm tài chính ngân hàng cũng chịu “hiệu ứng” bán theo. Điểm tích cực là thanh khoản được đẩy lên mức cao, cho thấy dòng tiền vẫn tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu khác. Việc nhóm cổ phiếu smallcap đang gặp đỉnh cũ cùng diễn biến trong phiên hôm nay, đây cũng là cơ hội để dòng tiền có thể quay lại nhóm cổ phiếu bluechip khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I được công bố sắp tới.

Theo VDSC, VN-Index có khả năng tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.475 điểm và hồi phục ngắn hạn. Mặc dù có khả năng hồi phục nhưng nhìn chung yếu tố rủi ro vẫn tiềm ẩn trên thị trường do vậy nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng.

Chốt phiên giao dịch 28/3, chỉ số VN-Index giảm 15,32 điểm xuống 1.483,18 điểm. HNX-Index giảm 6,86 điểm xuống 454,89 điểm. Upcom-Index giảm 1,0 điểm xuống 116,01 điểm. Thanh khoản đạt 39,2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 32,9 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

Theo V. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật