Sửa Luật Cạnh tranh để hạn chế chỉ định nhà đâu tư trên đất "vàng"

22/09/2017 13:57:00

HoREA kiến nghị Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản, kể cả các hình thức BT, BOT, PPP... đều phải thông qua hình thức đấu thầu.

HoREA kiến nghị Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản, kể cả các hình thức BT, BOT, PPP... đều phải thông qua hình thức đấu thầu.

sua luat canh tranh de han che chi dinh nha dau tu tren dat

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản số 106/CV-HoREA, gửi lãnh đạo TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để góp ý dự án Luật Cạnh tranh (2004) sửa đổi.

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần bổ sung một số quy định để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản, kể cả thông qua các hình thức: Xây dựng - chuyển giao (BT); Xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT); Hợp tác công - tư (PPP)... phải thông qua hình thức đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, lựa chọn chủ đầu tư bằng hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi. Các trưởng hợp chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Theo ông Châu, đây là mấu chốt để khắc phục tình trạng chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư một cách tràn lan, nhất là đối với các công trình - dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa, gây tác động xấu đến môi trường kinh doanh, sự minh bạch, tính cạnh tranh, bình đẳng mà các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều rất mong đợi.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đóng góp thêm các ý kiến, như về quy định "Thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu" tại khoản 4 điều 11 dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có sự khác biệt về thuật ngữ với quy định về "thông thầu" tại khoản 3 điều 89 Luật Đấu thầu. Hiệp hội đề nghị nên sử dụng khái niệm "thông thầu" với nội hàm như đã quy định tại khoản 3 điều 89 Luật Đấu thầu để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường được quy định tại khoản 2 điều 12 dự thảo Luật; và đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể được quy định tại điều 13 dự thảo Luật; Hiệp hội nhận thấy cụm từ "một cách đáng kể" nếu không được định lượng, hoặc quy định các tiêu chí để đánh giá tính chất "một cách đáng kể" thì sẽ khó áp dụng trên thực tế. Hiệp hội đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung giao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết thế nào là hành vi gây tác động hạn chế cạnh tranh “một cách đáng kể” trên thị trường.

Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Chương VI dự thảo Luật, HoREA nhận thấy điều quan trọng là cần quy định các tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bởi vì trên thực tế có rất nhiều loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể. Do vậy, Hiệp hội này đề nghị dự thảo Luật cần quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, và giao cho Chính phủ quy định các biện pháp chế tài nếu đối tượng vi phạm các điều cấm này.

Riêng tại khoản 5 điều 46 dự thảo Luật "5. Lôi kéo khách hàng bất chính" về cấu trúc văn phạm có lẽ chưa chuẩn, Hiệp hội đề nghị chỉnh lại "5. Có hành vi bất chính nhằm lôi kéo khách hàng" thì phù hợp hơn.

Theo Diệu Thùy (Dân Việt)

Nổi bật