Sự trùng hợp khó lý giải giữa bầu Kiên và Tổng giám đốc DongA Bank

22/08/2015 07:13:33

Ngày 20/08/2015, ông Nguyễn Đức Kiên – tức “Kiên đầu bạc” nhận quyết định bắt giam về hành vi “kinh doanh trái phép”. Cũng đúng vào ngày đó 3 năm sau, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á – Trần Phương Bình với mái tóc trắng quen thuộc cũng bị “truất ngôi” sau nhiều năm lãnh đạo nhà băng này.

Ngày 20/08/2015, ông Nguyễn Đức Kiên – tức “Kiên đầu bạc” nhận quyết định bắt giam về hành vi “kinh doanh trái phép”. Cũng đúng vào ngày đó 3 năm sau, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á – Trần Phương Bình với mái tóc trắng quen thuộc cũng bị “truất ngôi” sau nhiều năm lãnh đạo nhà băng này.
Ngày định mệnh của hai ông chủ tóc bạc
 
Chiều tối 20/08/2012, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB - Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự.
 
Ngay tối ngày hôm đó , việc khám xét nhà riêng của ông Kiên tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã diễn ra. Công an đã thu giữ một số tài liệu, CPU phục vụ quá trình điều tra. Căn biệt thự 3 tầng bề thế, rộng 500 m2 nhìn ra hồ Tây đóng kín cửa. Bên ngoài cánh cổng sắt cao hơn 3 mét có người mặc đồng phục bảo vệ canh gác, ngăn cản người tới gần.
 
Cũng vào ngày định mệnh đó, 3 năm sau, ngày 20/08/2015, một nhân vật khác cũng nổi danh trong nghề “buôn tiền” nhận quyết định đình chỉ chức danh Tổng giám đốc tại ngân hàng TMCP Đông Á - ông Trần Phương Bình.
 
Quyết định của NHNN như “sét đánh ngang tai” khi mới vài hôm trước đây, ông Bình còn cười và nói với phóng viên “Tôi đang ở ngân hàng và trao đổi với cán bộ công nhân viên DongA Bank những việc cần làm cho ngày mai (ngày 18/8)”.

Nguyên tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình (trái) và nguyên chủ tịch HĐQT ACB Nguyễn Đức Kiên


Cùng một ngày trong năm, cùng một hình ảnh với mái tóc bạc của hai ông chủ nhà băng Nguyễn Đức Kiên và Trần Phương Bình, khiến cho dư luận không khỏi e ngại về nghề “kinh doanh tiền” đầy rủi ro và bất trắc.
 
Ngày đen tối của ngân hàng
 
Phản ứng đầu tiên của ACB sau khi lệnh bắt “bầu” Kiên được loan báo hôm 20/8 là thông cáo báo chí khẳng định “ông Kiên không còn là cổ đông lớn, cũng không phải thành viên Hội đồng quản trị, không tham gia ban điều hành của ngân hàng ACB”.
 
Nhưng tâm lý của người dân về sự ảnh hưởng của bầu Kiên đối với hình ảnh của ACB vẫn còn rất lớn, để tránh khủng hoảng người dân ồ ạt rút tiền như tin đồn Tổng giám đốc ACB bỏ trốn vào năm 2003, không phải tình cờ mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên làm việc thường kỳ của UB thường vụ Quốc hội vào ngày hôm sau.

Người dân ồ ạt rút tiền tại ngân ACB ngày 21/08/2012


Theo đó, NHNN sẵn sàng đảm bảo tính thanh khoản cho ACB trong trường hợp khách hàng rút tiền hàng loạt. Đồng thời, Thống đốc cũng gián tiếp xác nhận công bố mà các nhân vật điều hành ACB đưa ra trước đó về việc “vụ bắt giam ông Kiên không liên quan đến ACB”, tất nhiên, kèm theo ghi chú “tính đến thời điểm này”.
 
Tin đồn – chính là từ đáng sợ nhất thời điểm này của hệ thống ngân hàng. Mặc dù thời gian gần đây, các cán bộ cấp cao của các nhà băng vướng vào vòng lao lý không phải là thông tin quá sốc sau vụ bầu Kiên, sau Hà Văn Thắm…
 
Đối với Đông Á Bank, sau khi NHNN công bố kết luận thanh tra toàn diện và quyết định kiểm soát đặc biệt vào ngày 14/08, thị trường bỗng xôn xao tin đồn Tổng giám đốc Bình bị bắt, một bộ phận không nhỏ khách hàng đã kéo đến ngân hàng để rút tiền.

Ngân hàng Đông Á cũng trải qua tình trạng tương tự sau lệnh kiểm soát đặc biệt ngày 14/08 của Ngân hàng Nhà nước

 
Trong 4 ngày từ 14-18/08 (trừ Chủ nhật), chênh lệch số tiền gửi vào và rút ra trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm và thanh toán qua tài khoản ngân hàng bị âm 4.834 tỷ đồng (trong đó tiền rút ra 15.424 tỷ đồng và gửi vào là gần 10.592 tỷ đồng). Ngoài ra, số vàng giữ hộ trong bốn ngày cũng sụt giảm hơn 7.400 lượng.
 
Qua nắm tình hình, NHNN khẳng định Ngân hàng Đông Á vẫn hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo chi trả đầy đủ cho mọi khoản tiền gửi, vàng giữ hộ của khách hàng gửi tại ngân hàng. Đồng thời NHNN cũng cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản đầy đủ, kịp thời để đảm bảo nhu cầu chi trả tiền gửi của người dân và hoạt động bình thường của Ngân hàng Đông Á.
 
Mọi sự dần lắng xuống khi hiện tượng rút tiền ồ ạt không còn, NHNN lại “bồi” thêm thông tin đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Trần Phương Bình và chức Phó Tổng giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.
 
NHNN cũng cử hai đại diện từ BIDV sang thay thế là ông Võ Hải Nam và ông Phạm Thế Nguyên.
 
“Việc chỉ định nhân sự tham gia điều hành DAB là một trong các giải pháp để tăng cường kiểm soát, bảo đảm hoạt động của DAB được an toàn và bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật” – Ngân hàng Nhà nước cho biết.

>> Ông Trần Phương Bình mất chức Tổng giám đốc DongA Bank
 
Theo Hoa Liên (Antt.vn)

Nổi bật