Từ món ăn nổi tiếng của Hải Dương
Thử gõ cụm từ "gà Mạnh Hoạch" trên công cụ tìm kiếm Google, ngay lập tức trong 0,86 giây trang này trả về tới 15,9 triệu kết quả. Theo giới thiệu của một số nhà hàng, bí quyết tạo lên sự khác biệt là nguồn "gà quê chính gốc Hải Dương", gà chỉ được làm thịt khi thực khách gọi món để đảm bảo sự tươi ngon. Gà Mạnh Hoạch được Hải Dương xem là một trong những đặc sản thương hiệu địa phương, bên cạnh bánh gai, bánh đậu xanh.
Nổi tiếng là vậy nhưng trên thực tế rất ít người biết được câu chuyện thú vị về thương hiệu này.
Hải Dương vốn là một trong những điểm dừng nghỉ chân của cánh tài xế chạy xe liên tỉnh phía Bắc. Từ những năm 1998, họ thường dừng chân tại một trong những quán trà tại khu vực Km 76 gần ga Phạm Xá, Kim Thành, Hải Dương. Ông chủ một quán trà tên là Phạm Hồng Hoạch thi thoảng đãi vài tài xế quen bằng đĩa cổ cánh gà luộc hay bát cháo gà. Món ăn chẳng có gì cầu kỳ nhưng được giới lái xe truyền tai nhau vời lời khen gà ngon, thịt mềm.
Tiếng lành đồn xa, dần dà cánh tài xe khách dần dà tìm đến quán trà của ông Hoạch cốt để thưởng thức món gà đặc biệt. Từ món ăn chơi đãi khách, gà trở thành món chính của gia đình ông Hoạch. Ông chủ quán trà quyết định mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Cái khó lúc này bài toán về đảm bảo nguyên liệu ngon, chứ không chỉ còn là 1-2 con gà như trước.
Sau khi bàn bạc với người thân, bạn bè, ông Hoạch quyết định chọn vùng đất Bắc Giang, cách Hải Dương không xa để lập trang trại nuôi gà. Bắc Giang vốn có giống gà đồi nổi tiếng thơm ngon rất đặc trưng. Cũng có những lời đồn rằng ông Hoạch đã chọn giống gà Mía của Hà Tây để đưa lên đây cải tạo giống. Trang trại hàng chục hecta của ông Hoạch vừa trồng vải vừa thả gà.
Ông Hoạch bắt đầu tìm hiểu, mò mẫm bí quyết nuôi gà của dân trong vùng, cũng như tự nghiên cứu pha trộn thức ăn, "ép" gà hàng ngày chạy khắp vườn để thịt săn chắc. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng của gà thịt khi đưa ra phục vụ thực khách, ông chỉ chọn những con gà có trọng lượng không quá 1,2 kg. Và đặc biệt nữa là, cho dù khách đông cách mấy thì cũng chỉ khi có người gọi, nhà hàng mới thịt gà.
Chuyện về cái tên Mạnh Hoạch
Chỉ phục vụ các món đơn giản như gà luộc, gà rán, miến gà, nhưng nhà hàng của ông Hoạch lúc nào cũng có khách, cao điểm từ 10 giờ sáng đến quá trưa và từ 6 giờ chiều trở đi. Quán ăn đầu tiên không đủ phục vụ nhu cầu, ông Hoạch quyết định mở thêm nhà hàng thứ hai, rồi thành lập doanh nghiệp gia đình. Tuy nhiên, tên của quán cũng như doanh nghiệp giai đoạn này chưa được ông chú trọng chỉ gọi với tên đơn giản "Gà ông Hoạch".
Giai đoạn những năm 2000, có đoàn khách từ Hà Nội về Hải Phòng dừng chân tại quán của ông Hoạch, một vị khách tò mò hỏi ông chủ về giống gà tạo nên thương hiệu nức tiếng này. Ông Hoạch chia sẻ thật lòng rằng để có được gà ngon như vậy, gà phải được thả vườn rộng, ngày đuổi cho gà chạy 7 lần thịt mới săn chắc.
Vị khách buột miệng thốt lên "Đúng là gà Mạnh Hoạch". Theo tích cũ thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng 7 lần bắt Mạnh Hoạch rồi tha, sau đã thu phục được vị tướng tài Mạnh Hoạch. Ngẫm thấy hay, ông Hoạch bắt dầu dùng cái tên này đặt cho quán của mình là "Gà tươi Mạnh Hoạch".
Từ năm 2004, ông Phạm Hồng Hoạch được tư vấn phát triển thành chuỗi nhà hàng, cũng như đăng ký bảo hộ thương hiệu "Gà tươi Mạnh Hoạch" vào năm 2006.
Từ nhà hàng ban đầu tại Km 67 ở khu vực ga Phạm Xá, Kim Thành, gia đình ông Hoạch mở thêm thêm các cơ sở tại Hải Phòng, Quảng Ninh để phục vụ khách du lịch trên đường đến Hạ Long.
Một thực tế là dù đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng vẫn có rất nhiều nhà hàng Gà tươi Mạnh Hoạch "nhái" mọc lên nhan nhản khắp các thành phố lớn phía Bắc.
Sau này ông Hoạch qua đời vì bệnh hiểm nghèo, việc kinh doanh được giao lại cho hai con trai của ông. Dưới thời tiếp quản của các con trai, thương hiệu Gà Mạnh Hoạch đẩy mạnh hình thức nhượng quyền. Hiện sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay thương hiệu ẩm thực này đã có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc, phục vụ hàng chục ngàn lượt khách mỗi ngày. Trở thành một trong những thương hiệu ẩm thực đáng tự hào nhất của Việt Nam.
Muốn kiếm nhiều tiền trong bất kỳ nghề gì hãy xem bài học bán măng trúc cho người Nhật của ông chủ nhỏ này